foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. Bởi vậy dân tộc Lào cũng có những tín ngưỡng gắn liền với đời sống của người dân trong dân tộc, đã trở thành nét đẹp truyền thống được lưu truyền từ xa xưa cho tới ngày nay. Đối với người dân Lào, tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm trí của họ từ lâu đời bởi vậy mới trở thành một đức tin gắn liền với cuộc sống. Khi nói đến tín ngưỡng của người dân, họ có rất nhiều tín ngưỡng khác nhau được chia thành nhiều loại như: tín ngưỡng về quỷ thần, tín ngưỡng về tôn giáo, tín ngưỡng về chiêm tinh…

Trong đó, tín ngưỡng về Thiên Đài được bắt nguồn từ tôn giáo bà la môn của nước Ấn Độ gắn liền với đời sống của người dân Lào từ xa xưa trước thời vua Phà Ngừm. Tuy nhiên, dưới thờ Xu-pha-nu-vông là thời kỳ mà vương quốc Lào đã phát triển rất hưng thịnh, ông đã xóa bỏ tất cả tín ngưỡng về quỷ thần và chuyển sang tín ngưỡng về đạo Phật. Nhưng trong tâm trí của người dân Lào tín ngưỡng về quỷ thần thì không thể xóa bỏ được và nó vẫn luôn tồn tại trong tâm trí và đời sống của người dân cho đến nay. Vì vậy mà tín ngưỡng về Thiên Đài đã trở thành tín ngưỡng cá nhân và được âm thầm lưu truyền cho tới ngày này.

Đối với quan niệm của người dân Lào, tín ngưỡng về quỷ thần có lịch sử lâu đời và nó được truyền lại từ thời ông bà tổ tiên trước khi phật giáo được du nhập vào Lào. Bởi vì trước đây người dân Lào chủ yếu tin vào quỷ thân do đó việc xây dựng các Thiên Đài có thể nói là có lịch sử từ lâu đời. Mỗi gia đình khi xây dựng hay chuyển về nhà mới thì việc dựng một Thiên Đài để thờ các vị quỷ thần là việc không thể thiếu đối với tín ngưỡng của họ. Việc dựng Thiên Đài trong gia đình phải do người lớn tuổi nhất đảm nhận, Thiên Đài đối với tín ngưỡng của họ là nơi để thờ cúng thần linh thổ địa. Họ tin rằng việc thờ cúng này sẽ được các vị quỷ thần cai quản khu vực mà nơi họ sinh sống sẽ bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình cũng như phù hộ cho họ có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Một số gia đình họ còn mang mang tro cốt của người thân vào chính điện của Thiên Đài để thờ cúng.

Từ xa xưa, vị trí đặt Thiên Đài được đặt phía trước nhà của mỗi gia đình, tuy nhiên từ sau khi có thông báo loại bỏ Am thờ vào thời nước Lào thịnh vượng thì Thiên Đài không được phép đặt trước cửa nhà. Hiện nay, tín ngưỡng của người dân ngày càng được mở rộng nên xuất hiện hầu hết các Thiên Đài đặt trước nhà để thờ cúng. Gia chủ phải chọn vị trí phù hợp, thuận tiện và thích hợp, vị trí thường là nơi sạch sẽ, sáng sủa. Mục đích xây dựng Thiên Đài theo tín ngưỡng của người dân là để tỏ lòng thành kính với thần tiên, thổ địa. Bởi vì, họ có niềm tin rằng ở đâu có thần linh thổ địa cai quản thì họ luôn phù hộ cho gia chủ gặp nhiều may mắn, sức khỏe, làm ăn phát đạt…Bên cạnh đó, một số gia đình lập Thiên Đài còn để thờ tro cốt của người thân vào ngày mồng một và ngày rằm.

Màu sắc và quy mô của Thiên Đài được lựa chọn phụ thuộc vào sở thích của mỗi gia đình, làng bản. Đối với Thiên Đài gia đình người dân lào dùng một cột, còn đối với Thiên Đài làng bản thì họ dùng 6 cột. Thiên Đài có thể sử dụng nhiều màu sắc như trắng, xanh lá cây, gạch, vàng, bạc, đỏ…Trong Thiên Đài có nhiều vật dụng thờ cúng như tượng mẹ, tượng các loài vật linh thiêng như voi, ngựa… nhưng có nhiều Thiên Đài không thờ các tượng vì người ta tin rằng trong Thiên Đài là nơi có linh hồn quỷ thần trú ngụ mà mắt thường không thể thấy được. Thiên Đài chỉ được thắp hương thờ cúng vào ngày rằm mồng một và các ngày lễ hội, các ngày truyền thống của bản làng, dân tộc… Khi thắp hương người dân họ thường cầu nguyện, cầu mong phước lành may mắn đến với gia đình và người thân. Bởi vì họ tin rằng họ luôn được quỷ thần che chở cho gia đình họ.

Vì vậy, có thể nói rằng Thiên Đài đóng một vai trò rất quan trọng đời sống văn hóa tín ngưỡng của người dân Lào, họ tin rằng các quỷ thần có thể phù hộ, giúp đỡ, che chở cho gia chủ và toàn thể gia đình họ luôn có sức khỏe, bình an, gặp nhiều may mắn và làm ăn phát đạt.

Vào chiều ngày 01 tháng 11 năm 2024, Đại hội Chi bộ Khoa Tiếng Việt  khóa VIII, nhiệm kỳ 2024 – 2027, đã diễn ra thành công tốt đẹp tại phòng họp số 13, Nhà 15 tầng với sự tham gia 100% đảng viên là giảng viên trong Chi bộ. Đặc biệt là sự có mặt của Đ/c Tống Thị Cẩm Lệ - Uỷ viên BCH Đảng uỷ. Sự kiện này không chỉ là dịp để tổng kết các hoạt động trong nhiệm kỳ vừa qua, mà còn là cơ hội để đề ra phương hướng phát triển cho nhiệm kỳ tới.

            Tại Đại hội, các Đảng viên đã được nghe báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2022-2024 do đồng chí Bí thư Chi bộ trình bày, báo cáo kiểm điểm của BCH chi bộ nhiệm kỳ vừa qua. Báo cáo đã nêu rõ những kết quả nổi bật mà Khoa đã đạt được, từ việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giảng dạy môn Văn ở trường Phổ thông và môn Tiếng Việt cho LHS Lào đến việc tăng cường hợp tác quốc tế và tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa Việt Lào. Những kết quả này không chỉ khẳng định vị thế của Khoa  mà còn động viên khích lệ đối với các cán bộ Đảng viên trong chi bộ! Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Chi bộ mới gồm 2 đồng chí: Đ/c Nguyễn Thị Lệ Hằng được bầu giữ chức vụ Bí thư chi bộ, Đ/c Trần Thị Anh Thư được bầu là Phó bi thư chi bộ, nhiệm kỳ 2024 - 2027. Ban Chấp hành mới được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy những thành công của nhiệm kỳ trước; đồng thời, đã xây dựng được Nghị quyết của Đại hội, triển khai các chiến lược mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực của Khoa.

               Sự thành công của Đại hội không chỉ thể hiện qua việc hoàn thành các mục tiêu đề ra mà còn thông qua tinh thần đoàn kết, nhất trí cao của toàn thể đại biểu. Không khí làm việc nghiêm túc, nhưng cũng đầy nhiệt huyết và sáng tạo đã góp phần làm nên thành công chung của Đại hội.

     Sau đây là mội số hình ảnh Đại hội:

Ảnh tập thểẢnh 3 người

I. Đặt vấn đề

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền móng và chính Người cùng đồng chí Cayxỏn Phômvihản, đồng chí Xuphanuvông và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước dày công vun đắp, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghiên cứu về địa lí, lịch sử và quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Lào nhằm chỉ ra những nét tương đồng và khác biệt giữa hai đất nước cũng là đi tìm lời lí giải cho mối quan hệ đặc biệt mang tính xuyên suốt, toàn diện và bền vững này. Xây dựng, bảo vệ và phát huy những điểm tương đồng, đồng thời tôn trọng những giá trị riêng về văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử…của hai dân tộc chính là cơ sở để gìn giữ  mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Lào trong sự nghiệp phát triển lâu dài của nhân dân hai nước.

II. Nội dung

  1. Điểm tương đồng

1.1.Về địa lí

        Về mặt địa lý, Việt Nam và Lào cùng nằm trên bán đảo Đông Dương thuộc vùng Đông Nam châu Á. Địa hình hai nước rất đa dạng, đều có đồng bằng, rừng núi và cao nguyên (rừng núi và cao nguyên chiếm đến 3/4 diện tích lãnh thổ mỗi nước).

         Việt Nam và Lào đều có mạng lưới sông ngòi dày đặc gắn cư dân hai nước với những hoạt động ở vùng sông nước và nghề chài lưới. Đây không chỉ là nguồn lợi lớn về kinh tế mà còn là hệ thống giao thông đường thuỷ thuận tiện. Dãy Trường Sơn có thể ví như cột sống của hai nước, tạo thành biên giới tự nhiên trên đất liền giữa Việt Nam và Lào.

Địa hình của nước Lào rừng núi chiếm 3/4 diện tích lãnh thổ. Ở Nam Lào, rừng chen lấn với đồng bằng, tạo nên một màu xanh ngút ngàn của thiên nhiên nhiệt đới. Ở miền Trung Việt Nam, rừng lan ra tận  biển; một số nơi rừng còn xen lẫn với đồng bằng. Như vậy, rừng giữ một vị trí đặc biệt trong đời sống của nhân dân Việt Nam và của nhân dân các bộ tộc Lào.

  • . Về lịch sử

Về lịch sử, dân tộc Việt Nam và dân tộc Lào đều có một bề dày truyền thống lịch sử với biết bao biến cố, thăng trầm. Từ thời xa xưa trong buổi đầu mở mang bờ cõi, nhân dân hai nước luôn có ý thức tầm quan trọng của việc xây dựng nên một đất nước độc lập, có chủ quyền.

Thời phong kiến ở Việt Nam và Lào đều có đặc điểm chung là nhà nước thuộc chế độ quân chủ tập quyền. Nếu như  ở Lào, có ba vị vua được ghi danh trong lịch sử nước nhà dưới hình thức huyền thoại và truyền thuyết thì ở Việt Nam cũng có nhiều các vị vua có công với nước cũng được lưu danh sử sách qua các thời kì dựng nước và giữ nước.

Lịch sử Việt Nam và Lào trong thời kì hiện đại có mối quan hệ ảnh hưởng lẫn nhau vô cùng sâu sắc. Đặc biệt trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, hai dân tộc đã cùng chung chiến hào, nhân dân hai nước đoàn kết, thống nhất làm một, tạo thành một sức mạnh to lớn đưa cuộc cách mạng kéo dài 30 năm (1945- 1975) đi đến thắng lợi hoàn toàn. Lào và Việt Nam đã giành độc lập, chủ quyền và ngày nay đang cùng nhau xây dựng đất nước theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

1.3. Về quan hệ ngoại giao

          Về quan hệ ngoại giao, do điều kiện tự nhiên và quan hệ láng giềng gần gũi, quan hệ Việt Nam - Lào hình thành từ rất sớm, có thể nói ngay từ khi xuất hiện những cư dân Việt Nam và Lào trên khu vực địa lý lịch sử này.

 Trong qúa trình dựng nước và giữ nước của từng dân tộc cũng như trong giao lưu về kinh tế và văn hoá, không chỉ các nhà nước phong kiến hai nước quan hệ với nhau mà nhân dân hai nước cũng thường xuyên liên hệ với nhau, ủng hộ và giúp đỡ nhau một cách tự phát, nhất là những cư dân khu vực vùng giáp biên giới hai nước. 

           Quan hệ thân thiện Việt Nam và Lào phát triển đột biến trở thành quan hệ đặc biệt vào năm 1930 khi sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam và Lào được tiến hành theo con đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương. Từ đó đến nay hai dân tộc luôn gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau, kề vai sát cánh bên nhau không thể chia rời.

1.4. Về ngôn ngữ            

Ở Việt Nam có bốn dòng ngôn ngữ: Nam Á, Nam Đảo, Tày Thái và Tạng  Miến, trong đó tiếng Việt đóng vai trò ngôn ngữ quốc gia và là tiếng mẹ đẻ của người Việt. Ở Lào chỉ có ba dòng ngôn ngữ là Nam Á, Tày Thái và Tạng Miến, trong đó tiếng Lào đóng vai trò ngôn ngữ quốc gia và là tiếng mẹ đẻ của người Lào.

            Theo kết quả nghiên cứu của Maspero, Haudricourt và gần đây là Phạm Đức Dương thì tiếng Việt là ngôn ngữ pha trộn với hai ngôn ngữ chủ đạo: ngôn ngữ Môn - Khơme đóng vai trò cơ tầng và ngôn ngữ Thái đóng vai trò cơ chế. Vì thế, xét về mặt nguồn gốc thì tiếng Việt gắn với tiếng Môn - Khơme, nhưng xét về mặt loại hình thì tiếng Việt vận hành giống tiếng Thái, tiếng Lào. Do đó, tiếng Việt và tiếng Lào có mối quan hệ tiếp xúc rất lâu đời (khi nhóm Lào - Thái chưa tách nhau) và cùng một loại hình với cấu trúc CVC có thanh điệu. Vì vậy, giữa hai ngôn ngữ có rất nhiều yếu tố cùng gốc và cấu tạo rất giống nhau. Về chữ viết thì có thể thấy cả Việt Nam và Lào đều có hiện tượng vay mượn chữ viết của các dân tộc khác có quan hệ tiếp xúc gần gũi.

2. Điểm khác biệt

Mặc dù đất nước Lào và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, địa lí và quan hệ ngoại giao nhưng chính sự khác nhau lại làm nên bức tranh đa sắc màu về đất nước Việt Nam và đất nước Lào.

  Cùng nằm trên bán đảo Đông Dương nhưng Lào là một quốc gia không có biển, trong khi đó Việt Nam có tới 3.260 km bờ biển và hơn 3.000 hòn đảo. Trái lại, Lào lại là ngã tư đường của mọi cuộc tiếp xúc giao lưu với các nước trong khu vực trên đất liền một cách thuận lợi. Xét về mặt tự nhiên, Việt Nam có đầy đủ cả ba yếu tố: đồng bằng, núi và biển. Trong khi đó thì nước Lào chỉ có đồng bằng và miền núi mà không có biển. Các đặc điểm tự nhiên đó tạo ra các vùng văn hoá đặc trưng của mỗi nước. Dãy Trường Sơn, (dài 1100 km) chắn ngang biên giới của hai nước tạo ra hai vùng khí hậu khác biệt giữa hai nước.

Xét về phương diện lịch sử, nguồn gốc của người Việt Nam và người Lào có nhiều điểm khác nhau. Dân tộc Việt Nam đã được hình thành và bước đầu phát triển trên vùng châu thổ sông Hồng và sông Mã phía Bắc của Việt Nam ngày nay.  Các nhà khảo cổ đã tìm thấy các di tích chứng minh loài người đã từng sống tại Việt Nam từ thời kỳ Đồ đá cũ. Còn người Lào - nhóm dân tộc chính sống tại nước Lào hiện nay, là một nhánh của các dân tộc sử dụng hệ ngôn ngữ Thái, những người mà cho tới thế kỉ 8 đã thiết lập vương quốc Nam Chiếu hùng mạnh ở phía tây nam Trung Quốc.

            Trong thời kì cổ trung đại, dân tộc Việt Nam đã trải qua 1000 năm đô hộ của phong kiến phương Bắc còn dân tộc Lào trong nhiều thập kỷ, cũng nhiều lần phải chống các cuộc xâm lược của Miến Điện và Xiêm.

            Cuối thế kỉ XIX, Lào và Việt Nam cùng bị thực dân Pháp xâm lược và đặt ách cai trị tàn bạo. Nhân dân hai nước đã đoàn kết cùng nhau chiến đấu chống lại kẻ thù chung và đi đến thắng lợi cuối cùng.

Tuy nhiên so với lịch sử đất nước Lào, lịch sử Việt Nam trải qua nhiều biến cố, thăng trầm với những trang sử đen tối, đau thương và đầy uất hận. Vừa dựng nước người Việt đã phải liên tiếp đương đầu với sự xâm lăng của các thế lực bên ngoài. Độ dài thời gian và tần suất các cuộc kháng chiến, khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam rất lớn. Kể từ cuộc kháng chiến chống Tần (thế kỷ III trước Công nguyên) đến cuối thế kỷ XX, đã có tới 12 thế kỷ Việt Nam phải tiến hành hàng trăm cuộc chiến tranh giữ nước, khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng. Sự tồn vong của một dân tộc đã sản sinh ra tinh thần bất khuất, kiên cường, bền bỉ đấu tranh bảo tồn cuộc sống, quyết giành lại độc lập cho dân tộc của người dân Việt Nam.

Từ những nét tương đồng và khác biệt về địa lí, lịch sử, quan hệ ngoại giao đã dẫn đến bức tranh ngôn ngữ tộc người giữa hai nước là khá gần gũi và có cùng quan hệ cội nguồn và tiếp xúc.

Sự khác nhau chủ yếu giữa hai ngôn ngữ: tiếng Lào là một ngôn ngữ đơn tiết có cấu trúc CVC, có thanh điệu, âm tiết trùng với hình vị và từ nhưng lại vay mượn rất nhiều từ Pali và Sanskrit vốn là một ngôn ngữ biến hình đa tiết; trong khi đó, tiếng Việt vay mượn tiếng Hán vốn cùng loại hình. Sự khác nhau đó làm cho tiếng Lào trở thành ngôn ngữ có nhiều từ đa tiết và mỗi âm tiết đều không có nghĩa, làm cho cấu tạo từ của tiếng Lào trở nên khác biệt về mặt ngữ âm.            

Chữ Hán được mọi người Việt đều dùng từ thời Bắc thuộc và sau này, thời độc lập, người Việt vẫn dùng chữ Hán là ngôn ngữ quốc gia cho đến thế kỷ XX. Bên cạnh đó, người Việt dùng chữ Hán để ghi tiếng Việt và có sự biến đổi thành chữ Nôm. Chữ Nôm chưa bao giờ được dùng làm quốc tự mà được sử dụng trong việc sáng tác thơ văn, ghi hương ước, gia phả… Chữ Latinh do các giáo sĩ phương Tây đưa vào để ghi tiếng Việt, ta gọi đó là chữ quốc ngữ. 

Chữ viết của người Lào lại vay mượn từ chữ Ấn Độ (Pali - Sanskrit), và chữ Phạn (Sanskrit) một loại chữ gãy ở miền Bắc Ấn Độ được dùng để ghi kinh Phật Đại thừa và phái Xay Nha Xạt thuộc đạo Bà la môn. Đó là chữ Thay Nhơ. Còn chữ Pali, loại chữ tròn được cải biến thành chữ Thặm. Cả hai thứ chữ trên được kết hợp lại thành chữ Lào ngày nay.

III. Kết luận

Như vậy, những nét tương đồng và khác biệt về các yếu tố địa lí, lịch sử và quan hệ ngoại giao giữa người Việt và người Lào đều là cơ sở để tạo nên nhiều nét tương đồng, dị biệt trong ngôn ngữ nói riêng, trong nền văn hoá giữa hai dân tộc nói chung. Đó cũng là chất keo gắn kết lâu dài giữa hai đất nước nhằm phát huy truyền thống hữu nghị trong bối cảnh hội nhập quốc tế, hợp tác, phát triển toàn diện trên mọi mặt, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa như lời Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản đã từng khẳng định: “Núi có thể mòn. Sông có thể cạn. Song tình nghĩa Lào - Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 [1] Phạm Đức Dương (1998), Ngôn ngữ và văn hoá Lào trong bối cảnh Đông Nam Á, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 385 tr.

[2] Phạm Đức Dương (2002), Từ văn hoá đến văn hoá học, Nxb Văn hoá-Thông tin, H, 778 tr.

Chiều 24/10/2024, Trường Đại học Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ tổng kết khóa học tiếng Việt cho Lưu học sinh Lào K16 Tiếng Việt. Đến dự lễ có TS. Trần Thị Ái Đức – Phụ trách hội đồng trường, Phó hiệu trưởng; TS. Hồ Thị Nga, Phó hiệu trưởng nhà trường; đại diện Phòng Đào tạo, Phòng Công tác HSSV, các giảng viên Khoa Tiếng VIệt và toàn thể các em LHS Lào K16TV niên khóa 2023-2024.

TS. Trần Thị Ái Đức và các vị đại biểu đã nhiệt liệt chúc mừng 45 cán bộ và học sinh của các tỉnh (Bôlikhamxay, Khăm muộn, Savannakhet, Viêng Chăn, Bo Keo) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của khóa học đồng thời động viên các Lưu học sinh tiếp tục trau dồi kĩ năng sử dụng tiếng Việt để có nhiều điều kiện thuận lợi khi về công tác ở nước Lào hay tiếp tục học Đại học ở Việt Nam.

Ban giám hiệu và đại diện Phòng Đào tạo đã trao tặng giấy khen và phần thưởng cho các Lưu học sinh có kết quả học tập đạt loại Xuất sắc và loại Giỏi trong khóa học.  (Ảnh 1)

Đáp lại tình cảm của các thầy cô, em Khamthavy lớp TV1 đã thay mặt các bạn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Ban giám hiệu cũng như cán bộ giảng viên trường Đại học Hà Tĩnh và hứa sẽ phấn đấu học tập tốt hơn để trở thành những công dân có ích cho đất nước Lào, góp phần vun đắp mối tình hữu nghị thiêng liêng Việt - Lào.(Hình 2)

Sau buổi lễ Ban giám hiệu, đại diện các phòng ban và cán bộ, giảng viên khoa Tiếng Việt đã cùng các em chụp ảnh lưu niệm cũng nhau lưu giữ những khoảnh khắc trong ngày đặc biệt.

Một số hình ảnh tại buổi lễ.

 

Hà Tĩnh là một vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa. Do những đặc điểm riêng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và lịch sử, trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm để bảo vệ, giữ gìn Tổ quốc, quê hương và chống thiên tai khắc nghiệt để tồn tại, phát triển, người dân nơi đây cũng đã sáng tạo, xây đắp nên những nét riêng về cốt cách, truyền thống, góp phần làm phong phú thêm lịch sử của dân tộc ta. Trải qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước, nhân dân Hà Tĩnh đã có những đóng góp hết sức xứng đáng vào những thành tựu vẻ vang của cả dân tộc. Nói đến Hà Tĩnh cũng như nói đến xứ Nghệ người ta thường nghĩ ngay đến một vùng đất địa linh nhân kiệt hầu như ở thời nào cũng có những con người xuất chúng, đặc biệt trong số đó phải kể đến Thượng thư Lê Tuấn dưới thời Nguyễn và nhiều danh thần tên tuổi khác.

Đặt vấn đề

Hoàng giáp Thượng thư Lê Tuấn sinh năm Mậu Dần (1818), tại làng Mỹ Lụ, tổng Hà Trung, huyện Hà Hoa, nay là thôn Thanh Sơn, xã Kỳ Văn (huyện Kỳ Anh). Thuở nhỏ, ông nổi tiếng là người thông minh, hiếu học, đậu tú tài năm 1842, đậu cử nhân năm 1851. Tại kỳ thi Đình, năm Quý Sửu (1853), niên hiệu Tự Đức thứ 7, Lê Tuấn đỗ Nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp). Ông là vị quan đại thần có tiếng thanh liêm, tài đức vẹn toàn, được nhà vua quý trọng, người đương thời mến mộ. Cuộc đời và sự nghiệp khoa cử, hoan lộ của Hoàng giáp Thượng thư Lê Tuấn tiêu biểu cho truyền thống cần cù, hiếu học, ý chí vươn lên mạnh mẽ của người dân Kỳ Anh nói riêng và người Hà Tĩnh nói chung.

1. Đóng góp trên lĩnh vực quân sự

Hầu hết những ghi chép về ông trong các bộ chính sử triều Nguyễn ở cuối thập niên 60 đầu thập niên 70 của thế kỷ XIX là những ghi chép chi tiết chủ yếu về việc ông được cử làm Khâm sai đại thần, Kinh lược sử Bắc Kỳ về việc quân đi đánh dẹp nạn thổ phỉ, thủy phỉ, hải tặc, giặc cướp hoành hành ở hàng loạt các tỉnh Bắc Kỳ. Đây cũng là thời kỳ mà Bắc Kỳ chịu nhiều nạn thổ phỉ Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc, Cơ vàng của Hoàng Sùng Anh, Cờ Trắng… phần lớn các thổ phỉ tràn từ biên giới nước Thanh sang nước ta, khiến cho triều đình nhà Nguyễn gặp rất nhiều khó khăn. Phần trích dẫn dưới đây tóm lược một số sự kiện lớn, chính được chép trong sách “Đại Nam thực lục” do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn:

Tháng 4, năm Tân Mùi, Tự Đức năm thứ 24 (1871), khi đang giữ chức Thượng thư bộ Hình ông được vua Tự Đức cử ra Bắc Kỳ để lo việc quân. Sử chép: “Cho Thượng thư bộ Hình là Lê Tuấn sung chức Khâm sai đi coi quân. Khi ra đi, vua dụ rằng: Ngươi phải xét rõ thế giặc tình quân, cùng với Hoàng Tá Viêm hết lòng mưu tính, nghiêm đốc tướng biền đánh dẹp, người nào bất lực thì hặc tội tâu lên, để nghiêm quân luật”[1]. Đến tháng 8 (1871) ông được vua thăng thêm chức “Bắc Kỳ kinh lược đại thần[2].

Thượng thư Lê Tuấn và Thống đốc quân vụ Bắc Kỳ là Hoàng Tá Viêm được vua lo lắng quý mến gian khổ nơi chiến trường đã ban áo tặng cho để úy lạo tướng sĩ ngoài mặt trận. Sách Đại Nam thực lục viết “Ban áo của vua dùng cho Thống đốc là Hoàng Tá Viêm, Thị sư là Lê Tuấn, nhân làm thơ ban cho (trước đã từng ban áo cho tướng sĩ các đạo, nay đặc cách ban cho)”[3].

Tháng 9 (1871), trước nạn thổ phỉ[4] quân Cờ Vàng và Cờ Đen đang hoành hành Bắc Kỳ mà triều đình chưa đánh dẹp tan, chưa có biện pháp hữu hiệu đối phó. Trước yêu cầu của vua Tự Đức các ông Thống đốc và Kinh lược ở Bắc Kỳ phải thường xuyên gửi tấu sớ về để vua được biết kíp thời. Như trong bản sớ tấu của Thống đốc Hoàng Tá Viêm, Thị sư Lê Tuấn tâu rằng: “Dò thám được tên tù trưởng dân Mèo ở động suối Bốc là người chủ chứa chấp tên giặc Hoàng Anh (toán quân phỉ Cờ Vàng), giặc Hoàng Anh lại là người chứa chấp các giặc trốn ở tỉnh Bắc, tỉnh Thái và tình trạng Hoàng Anh, Lưu Vĩnh Phúc (phỉ Cờ Đen) thù hằn lẫn nhau. Vua truyền phải nói cho tướng họ Phùng biết để trù tính và đốc suất các tỉnh Sơn Tây, Bắc Ninh, Hải Dương phái quân đi đóng giữ ngăn chặn. Các thổ dõng, dân đinh bắn giỏi đã mộ được, cho theo như lệ quân ở trong Kinh phái đến các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên mà cấp lương, (mỗi người mỗi tháng 3 quan tiền, 1 phương gạo, người nào ở quân thứ cứ đủ 4 tháng, cấp cho áo quần 1 lần), lại cấp thêm cho 1 quan tiền”.

Trong lúc lo việc quân ở Bắc Kỳ Khâm sai Thị sư kiêm Kinh lược Lê Tuấn cùng với Thống đốc Hoàng Tá Viêm bàn dâng sớ tấu lên vua Tự Đức bàn những việc cần làm ngay tâu rằng: Các tỉnh ở nơi biên giới, hiện nay những công việc phải xếp đặt sau này, còn có nhiều khoản. Nay đương lúc thanh thế của quân lừng lẫy, thế giặc đến lúc cùng, vậy tỉnh nào việc quân tạm thư, như 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn thì hết thảy mọi việc ở nơi biên giới, tưởng nên phải sửa soạn ngay từ bây giờ, để được bền vững. Nếu đợi đến khi dẹp yên hết cả, sợ mối lo bên ngoài lại sinh ra, lại khó xếp đặt. Còn như các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, khi nào trừ hết bọn giặc, cũng xin lần lượt chấn chỉnh công việc...[5].

Trong các bản tấu sớ trước vua chưa ưng ý, vì nạn phỉ chưa đánh dẹp được gì. Các tấu sớ gửi về làm cho vua không được hài lòng hết. Lúc này vua mới bảo rằng ít lâu nay chỉ có tập tâu tính liệu trước này là thích hợp với công việc và có lòng lo việc nước, chuẩn cho thi hành ngay.

Trong quá trình làm toàn quyền kinh lược Bắc Kỳ cùng với Hoàng Tá Viêm, Khâm sai Thị tư kiêm sung Kinh lược đại thần, thự Thượng thư bộ Hình là Lê Tuấn cũng có những kiến nghĩ giúp cho việc quân mà lại tăng thêm nguồn thu của nhà nước và cũng là tránh tình trạng ruộng đất công bỏ hoang quá nhiều ở các tỉnh đất đai màu mở như Nam Định, Ninh Bình… Ông tâu rằng: “Hiện nay quân phí rất nhiều, mà các tỉnh ở Bắc Kỳ, sau khi bị lụt, thuế khoá đã giảm, khuyên người quyên tiền ra cũng khó. Duy có cách nhân lòng người ai cũng hám lợi mà khơi ra, thì mọi người tất vui theo, mà Nhà nước cũng lợi, hoặc có thể giúp vào quân nhu... Xét ra trong hạt Nam Định, số ruộng công bỏ hoang, các ruộng cói cỏ lẫn lộn và các hạng thổ bùn lầy, số ấy đến hơn 6 vạn mẫu. Trong số ấy có chỗ đã khai khẩn thành thục rồi, ẩn lậu chưa nộp thuế, quan cũng khó lòng trích ra được : có chỗ gần sông lớn, đất sa ngày ngày bồi thêm lên, dễ cho việc khai khẩn ; có chỗ ở vào ven biển, phải đắp đê ngăn nước mặn, lấy nước ngọt vào, tháo nước ứ ra, công việc có phần khó khăn. Thần đã hỏi hiện giá dân muốn mua, thì ruộng thục điền lậu thuế, hạng nhất mỗi mẫu phỏng được trên dưới 100 quan ; hạng ruộng dễ khai khẩn, hạng nhất mỗi mẫu phỏng được trên dưới 40 quan ; hạng ruộng khó khai khẩn, hạng nhất mỗi mẫu phỏng được trên dưới 20 quan. Đem chỗ nhiều bù vào chỗ ít, đại khái lấy mỗi mẫu 40 quan, thì một hạt Nam Định nếu bán được hết cả, phỏng được đến hơn 200 vạn quan tiền. Còn ở ven biển, như tỉnh Ninh Bình (số ruộng bỏ hoang cỏ cói, bùn lầy hơn 7.000 mẫu), tỉnh Hải Dương (số ruộng bỏ hoang hơn 13.000 mẫu) và các tỉnh khác cũng nhiều tỉnh có. Nếu vẫn để làm ngạch ruộng công, thì hoặc bỏ hoang mà không thuế, hoặc lấy thuế thổ thì không được mấy, đợi được thành thuế lệ ruộng công cả, cũng còn tốn công và còn lâu ngày, sao bằng dân thuận tình mua làm ruộng tư, ngày nay lấy tiền có thể giúp cho quân nhu, chỉ vài ba năm, lại có thể thu tất cả về ngạch thuế ruộng là hơn cả. Xin từ nay phàm các tỉnh ở Bắc Kỳ, những ruộng công bỏ hoang và các hạng thổ trồng khoai đậu cói, các thứ cỏ, nơi bùn lầy phù sa, bất cứ là người trong xã ấy hoặc người xã khác, huyện khác, nếu có người nào muốn mua làm của tư, thì làm đơn lên tỉnh xin nhận mua, rồi do quan tỉnh lấy công bằng khám xét đích xác, chỗ nào đã khai khẩn thành thuộc, đã cấy lúa thì chước định mỗi mẫu giá tiền là 120 quan ; việc nhận mua xong, tức phải chiếu theo lệ ruộng tư chịu thuế ; tha cho tội lậu thuế và không truy thu thuế trước nữa. Còn như ruộng nguyên bỏ hoang còn là  hạng thổ, chỗ nào gần nước ngọt dễ khai khẩn thì mỗi mẫu giá tiền 40 quan ; chỗ nào gần nước mặn khó khai khẩn thì mỗi mẫu giá tiền 20 quan. Người nào mua để khai khẩn bao nhiêu mẫu, cứ chiếu theo giá ấy, đem tiền đến nộp. Xong rồi, do quan tỉnh được phái đi khám xét ấy, cấp cho giấy làm bằng, chua rõ vào trong sổ ruộng, tạm theo ngạch cũ thu thuế, chiểu theo chỗ dễ làm chỗ khó làm, định cho niên hạn làm thành ruộng báo lên để phái đến khám, bắt đầu thu thuế, cho theo hạng ruộng tư, làm của riêng đời đời. Còn người nào mua làm hạng nào ruộng đất giá tiền bao nhiêu, quan tỉnh ấy làm danh sách tư cho bộ Hộ để lưu chiểu.

Lại xét các tỉnh ở Bắc Kỳ và Tả hữu 2 kỳ gián hoặc có nhiều dân xã nguyên ngạch là ruộng công, đất công cả, không có hạng đất làm nhà ở riêng, để cho dân đều làm nhà ở vào trong hạng ruộng công để ở. Một khi nhà cửa bỗng đổ nát, vườn đất không phải là của mình, chưa làm cho lòng người yên được. Nay nếu trích ra 1 - 2 phần nguyên là ngạch ruộng đất công của xã thôn ấy bán cho dân làm ruộng tư, thì mọi người tất thích mua, cũng là công tư đều được lợi cả. Xin phàm các xã thôn nào mà toàn là ruộng đất công cả, thì chia ra làm 10 thành, trích ra 2 thành, chiểu theo thời giá (hoặc 100, hoặc 200 - 300 quan không nhất định, đều phải đúng sự thực) bán ra làm của tư, giữ lấy làm sản nghiệp để ở. Còn thuế lệ vẫn chiểu theo ngạch cũ là ruộng đất công mà nộp. Như thế thì về quân nhu, về chi dùng của nước, mới có thể bổ ích được một chút. Đình thần xét lại cho là từ tỉnh Ninh Bình trở ra ngoài Bắc, ruộng đất của các hạt đều tốt màu, nghĩ nên chiểu từng hạng liệu tăng giá lên (như trong tập tâu xin hạng ruộng thành thục mỗi mẫu giá 120 quan, nên tăng làm 150 quan ; hạng ruộng dễ làm mỗi mẫu giá 40 quan, nên tăng làm 60 quan ; hạng ruộng khó làm mỗi mẫu giá 20 quan, nên tăng làm 30 quan). Cùng là các tỉnh, đạo từ Thanh Hoá trở vào Nam, những ruộng đất bỏ hoang, cũng nên theo thế cho dân được mua, nhưng ruộng đất ở các hạt ấy phần nhiều là đất rắn và xấu, khai khẩn hơi khó. Xin chiếu giá ở Bắc Kỳ, giảm bớt đi một nửa để tiện cho dân”. Vua y cho. Sai hãy lục sức điều khoản bán ruộng công bỏ hoang thi hành cho ổn thoả, để xem thành hiệu[6].

Tháng 11 (1871), ở Quảng Yên lại có tên Hoàng Tề nổi lên, thông với giặc Tô Tứ và giặc Tàu Ô ở ngoài bể, rồi đem binh thuyền đi cướp phá các nơi… Hay tin vua Tự Đức cho là quân thứ ở Sơn Tây đã tạm rỗi, mà thế giặc ở Hải - Yên lại hoành hành, phải tính nơi cần kíp trước. Chuẩn cho Thị sư Lê Tuấn đem quân và thuyền phái đi trước và lấy thêm 2 vệ quân mạnh khoẻ ở quân thứ Thái Nguyên về ngay tỉnh Hải Dương để trấn áp. Lại sai tỉnh Nam Định phái Hải phòng thương biện Phạm Văn Nghị đem 3 cơ binh dõng đắc lực đi ngay để cùng làm việc[7].

Tháng 2, năm Nhâm Thân, Tự Đức năm thứ 25 (1872), nạn giặc phỉ Hoàng Tề mới được đánh dẹp. Nhận được tấu sớ của Thị sư Lê Tuấn vua Tự Đức đã ban thưởng có thứ bậc khác nhau. Chính sử triều Nguyễn viết: “Bọn giặc thuỷ bộ ở tỉnh Hải Dương tụ họp bè lũ chia ra từng toán đi đánh quấy nơi đóng quân ở Thanh Lâm. Quan tỉnh và quan quân thứ (Bố chính là Tôn Thất Thuyết, Tán tương là Trương Văn Đễ) đốc suất và thúc đẩy tướng, quân vây đánh, được thắng trận to (bọn giặc ấy bỏ chạy. Trong khi đánh nhau hiện có bắt sống, chém đầu, bắn chết, đâm chết được quân giặc và thu được khí giới thực tang). Tên đầu sỏ của giặc là Hoàng Tề bị chết trong khi bắn loạn. Thị sư Lê Tuấn tâu xin ban thưởng để khuyến khích từ quản, suất trở xuống đều được thăng trật. Lại thưởng cho tiền bằng vàng, bằng bạc có thứ bậc. Viên Thị sư và các quan ở quân thứ ấy vì bàn tính đánh dẹp được việc, được khai phục hết. (Trước vì phòng giữ bất lực, Lê Tuấn, Tôn Thất Thuyết đều phải giáng 4 cấp ; Trương Văn Đễ phải giáng 3 cấp)”[8].

Tháng 11 (1872), do có nhiều công trạng trong việc quân đánh dẹp ở Bắc Kỳ Thị sư Lê Tuấn được vua Tự Đức ban áo rét của vua đang dùng để úy lạo và khích lệ tướng sĩ. Sách Đại Nam thực lục chép: Vua Dụ rằng: Áo ấy là áo rét của vua dùng, mặc để tỏ rõ là người có đức và vẻ quân thêm hùng mạnh, tạm tỏ lòng thành cởi áo cừu ban cho. Mong ai nấy đều có lòng quên rét, thực không thể ban cho khắp mọi người được[9].

Giữa năm 1873, ông được triệu về kinh để vua giao phó những trọng trách cao hơn là đàm phán với Pháp và đi sứ nước Pháp. Theo nhận định của GS. Trần Văn Giàu về việc triệu hồi Kinh lược sứ Bắc Kỳ là Lê Tuấn về kinh và ông cũng nhãn quan của vua Tự Đức là vị vua không có tài trong chống Pháp và đối phó với Pháp, chứ không hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của các đại thần như ông Lê Tuấn. Trong sách Chống xâm lăng GS Trần Văn Giàu viết: “… chúng ta thấy rằng, tuy bên Pháp bọn cầm quyền ngần ngại vì tình thế Âu châu, bọn thực dân ở Sài Gòn rất quả quyết muốn chiếm Bắc Kỳ mà chúng quả quyết như thế là bởi vì chúng trông thấy rõ sự suy đồn của chính quyền Tự Đức, thấy rằng Tự Đức sẽ không dám cương quyết chống cự. Thật vậy, trong lúc Đuy-pơ-rê và Đuy-puy ráo riết chuẩn bị cuộc võ trang can thiệp vào Bắc Kỳ, cuối tháng 8 năm 1873, triều đình Huế triệu kinh lược sứ Bắc Kỳ là Lê Tuấn, Tán lý Nguyễn Văn Tường về kinh, cùng với Nguyễn Tăng Doãn đi vào Gia Định để hội đàm với quân Pháp Đuy-pơ-rê đặng xin đi sứ sang Pháp mà thương thuyết”[10].

                                                                                       (Còn nữa)

 

[1] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, bản dịch Viện Sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.1275.

[2] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, bản dịch Viện Sử học, Sđd, tr.1296.

[3] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Sđd, tr. 1276.

[4] Thổ phỉ từ nước Thanh ở Bắc Kỳ theo sử gia Trần Trọng Kim tác giả sách Việt Nam sử lược viết: “… Dư đảng của Hồng Tú Toàn là bọn Ngô Côn chạy tràn sang nước ta, trước còn nói xin hàng, rồi sau đem quân đi cướp phá các tỉnh, quan quân đánh mãi không được. Năm Mậu Thìn… Ngô Côn chiếm giữ tỉnh thành Cao Bằng… Ngô Côn tuy chết, song còn có những đồ đảng là Hoàng Sùng Anh, hiệu cờ vàng, Lưu Vĩnh Phúc, hiệu cờ đen, Bàn Văn Nhị, Lương Văn Lợi, hiệu cờ trắng, vẫn cứ quấy nhiễu ở mạn Tuyên Quang, Thái Nguyên,… Triều đình vội vàng sai Hoàng Kế Viêm ra làm Lạng Bình Ninh Thái Thống đốc quân vụ đại thần, cùng với quan Tán tương Tôn thất Thuyết đi dẹp giặc ở Bắc Kỳ”. Trần Trọng Kim có nhắc tới một số đảng phỉ khác ở Bắc Kỳ mà như: “Năm 1871, ở Quảng Yên lại có tên Hoàng Tề nổi lên, thông với giặc Tô Tứ và giặc Tàu Ô ở ngoài bể, rồi đem binh thuyền đi cướp phá các nơi… Ở mạn thượng du thì đảng Cờ đen là bọn Lưu Vĩnh Phúc và đảng Cờ vàng là bọn Hoàng Sùng Anh quấy nhiễu ở đất Tuyên Quang…”.

[5] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Sđd, tr. 1298-1303.

[6] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Sđd, tr.1311-1312.

[7] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Sđd, tr.1315.

[8] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Sđd, tr.1325.

[9] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Sđd, tr.1365.

[10] Trần Văn Giàu, Chống xâm lăng (lịch sử Việt Nam từ 1858 đến 1898), Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2018, tr.339-340.



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.