+ Nhận biết (câu 1,2): Các từ cho biết, chỉ ra, nêu, xác định…
+ Thông hiểu (câu 3): Giải thích, lí giải, vì sao, như thế nào, khái quát, tóm tắt, so sánh, phân biệt
+ Vận dụng (câu 4): Liên hệ, nhận xét, trình bày, bộc lộ quan điểm, đánh giá…
Câu hỏi 1: Xác định phương thức biểu đạt của đoạn trích/ văn bản.
Cách trả lời:
+ Trường hợp 1: Xác định các phương thức biểu đạt: Trả lời nhiều hơn 1 PTBĐ (2,3)
+ Trường hợp 2: Xác định phương thức biểu đạt chính.: Trả lời 1 phương thức
Câu hỏi 2: Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích.
Câu hỏi 3: Xác định hình thức lập luận.
Câu hỏi 4: Xác định thao tác lập luận
Câu hỏi 5: Xác định thể thơ
Câu hỏi số 6: Câu hỏi nêu chủ đề của đoạn trích
Câu hỏi 7: Câu hỏi yêu cầu tái hiện một khía cạnh nội dung được trình bày trong văn bản
Ví dụ 1: Theo tác giả, thấu cảm là gì?
Ví dụ 2: Theo đoạn trích, để tuổi xuân không trôi qua trong vô vọng, ta phải làm gì?
+ Nếu nội dung câu trả lời ngắn gọn, liền mạch ở 1 vị trí trên văn bản: chép lại ý nguyên, đặt trong dấu ngoặc kép.
+ Nếu nội dung câu trả lời nằm rải rác ở nhiều vị trí khác nhau trên văn bản hoặc trình bày dài dòng thì kết hợp dùng lời văn của mình và những câu chữ trong ngữ liệu để trả lời.
Câu hỏi 8: Chỉ ra các từ ngữ, hình ảnh thể hiện một khía cạnh trong ngữ liệu
Ví dụ 1: Chỉ ra hai hình ảnh quê hương được tái hiện trong lời mẹ hát qua những câu thơ sau:
Con gặp trong lời mẹ hát
Cánh cò trắng, dải đồng xanh
Con yêu màu vàng hoa mướp
“Con gà cục tác lá chanh”
Cách trả lời: Hai hình ảnh quê hương được tái hiện trong lời mẹ hát trong những câu thơ trên là: Cánh cò trắng, dải đồng xanh
Ví dụ 2: Chỉ ra hai câu chuyện cổ tích được gợi ra từ đoạn thơ sau:
Thị thơm thì giấu người thơm
Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà
Đẽo cày theo ý người ta
Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì
Trả lời: Hai câu truyện cổ được gợi ra từ đoạn thơ: Tấm Cám, Đẽo cày giữa đường
Câu hỏi số 9: Câu hỏi yêu cầu giải thích một ý kiến, một đoạn thơ
Ví dụ 2: Anh chị hiểu như thế nào về ý kiến: “Vịt có giá trị của vịt, thiên nga có giá trị của thiên nga”
Ví dụ 2: Những dòng thơ sau giúp anh chị hiểu gì về mảnh đất và con người Miền Trung?
Miền Trung
Eo đất này thắt đáy lưng ong
Cho tình người đọng mật
(đề minh họa 2020)
Ví dụ 3: Anh/Chị hiểu nội dung các dòng thơ sau như thế nào?
Ở quanh con, người tử tế vẫn nhiều
Vẫn còn có bao điều tốt đẹp
Xa danh lợi hãy chịu nhiều thua thiệt
Hãy vì người, nếu mong họ vì con.
Bước 1: Trích dẫn lại ngữ liệu
Bước 2: Nêu khái quát ngắn ngọn cách hiểu của mình về ý kiến (Viết khái quát tránh sa vào phân tích, bình giảng)
Ví dụ 1: “Vịt có giá trị của vịt, thiên nga có giá trị của thiên nga” kiến trên có thể được hiểu là con người ta dù ở vị trí nào, dù thấp hèn hay cao sang thì mỗi người đều có giá trị riêng.
Ví dụ 2:
Miền Trung
Eo đất này thắt đáy lưng ong
Cho tình người đọng mật
Những câu thơ trên một mặt đã thể hiện sự khắc nghiệt của thiên nhiên, những khó khăn, vất vả mà người dân miền Trung phải gánh chịu. Mặt khác những câu thơ ấy ngợi ca con người miền Trung luôn sâu nặng, nghĩa tình. Qua đó thể hiện sự đồng cảm, xót thương, sự trân trọng của tác giả về mảnh đất và con người miền Trung
Ví dụ 3:
Ở quanh con, người tử tế vẫn nhiều
Vẫn còn có bao điều tốt đẹp
Xa danh lợi hãy chịu nhiều thua thiệt
Hãy vì người, nếu mong họ vì con.
Những dòng thơ trên đã thể hiện lời khuyên của người cha muốn con mình hãy có niềm tin với mọi người, với cuộc đời bởi xung quanh ta vẫn còn nhiều người tử tử tế, vẫn có bao điều tốt đẹp. Hơn nữa cuộc sống luôn có nhiều cám dỗ nên con hãy biết chấp nhận thiệt thòi về mình mà tránh xa danh lợi. Con hãy biết sống vị tha, sống vì mọi người, muốn nhận lại con phải biết cho đi bằng tất cả sự chân thành không tính toán vụ lợi.
Câu hỏi số 10: Câu hỏi yêu cầu lý giải một ý kiến được trích từ ngữ liệu
Ví dụ: Theo anh chị vì sao “Đừng thấy việc ác nhỏ mà làm, đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm”?
+ Bước 1: Trích dẫn phần ngữ liệu, đặt trong dấu ngoặc kép
+ Bước 2: Đưa ra hệ thống lí lẽ để giải thích tại sao? Vì sao? Trên đầu mỗi lý lẽ ấy chúng ta dùng các cụm từ điểm ý: trước hết, bên cạnh đó, ngoài ra, một mặt, mặt khác…(2 đến 3 lí lẽ - Để tìm lí lẽ nên dựa vào thực tiễn, quy luật đời sống, bối cảnh thời đại, truyền thống đạo lý).
Ví dụ 1: “Đừng thấy việc ác nhỏ mà làm, đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm”? Có thể nói như vậy bởi nhiều lẽ. Trước hết nhìn vào thực tiễn đời sống, ta sẽ thấy có nhiều việc thiện dù nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn lao, chỉ cần một lời động viên, khích lệ thôi cũng đủ cho người khác thấy ấm lòng, có thêm niềm tin vào cuộc sống. Bên cạnh đó, theo quy luật tích tiểu thành đại nhiều việc ác nhỏ sẽ khiến ta trở thành người tàn nhẫn, nhiều việc thiện nỏ thôi nhưng cũng góp phần xây đắp nên nhân cách con người tử tế.
Câu hỏi 11: Nhận xét/khái quát tư tưởng, tình cảm của tác giả được thể hiện trong ngữ liệu hoặc một số câu thơ/ câu văn trong ngữ liệu
Ví dụ 1: Hãy nêu nhận xét về tình cảm mà người cha dành cho con qua đoạn trích?
Ví dụ 2: Anh chị hãy nhận xét tình cảm của tác giả đối với Tổ quốc được thể hiện trong đoạn trích.
Bước 1: Trích dẫn phẫn ngữ liệu đề cho
Bước 2: Khái quát ngắn gọn tư tưởng tình cảm của tác giả qua những câu văn, câu thơ đó
Lưu ý: Dùng những từ nói về tình cảm
Câu hỏi số 12: Yêu cầu chỉ ra sự tương đồng và khác biệt giữa hai đối tượng trong ngữ liệu (hai thuật ngữ, hai đối tượng, hai nội dung)
Ví dụ 1: Chỉ ra những điểm tương đồng về sự sống của các loài thực vật ở vùng Tsunoda thuộc Bắc cực và ở vùng sa mạc Sahara trong đoạn trích. (Câu 3 Đọc hiểu đề 2020)
Ví dụ 2: Chỉ ra sự khác biệt giữa sống vì người khác và sống theo người khác?
Lưu ý: nên lựa chọn hình thức diễn đạt: Nếu A như thế này thì B như thế kia..
*Cách trả lời:
Ví dụ 1: Điểm tương đồng về sự sống của các loài thực vật ở vùng Tsunoda thuộc Bắc cực và ở vùng sa mạc Sahara là: Các loài thực vật ở 2 vùng đều nảy mầm và nở hoa trong điều kiện khắc nghiệt nhất. Bên cạnh đó cả 2 thảm thực vật đều cho thấy sức sống phi thường, tận dụng cơ hội thuận lợi để sinh trưởng trong thời gian ngắn.
Ví dụ 2: Sống vì người khác và sống theo người khác là hai quan điểm khác nhau. Nếu sống vì người khác là lối sống tích cực, chủ động, hy sinh, cống hiến rất đáng trân trọng thì ngược lại sống theo người khác là lối sống bị động, lệ thuộc, đó là lối sống tiêu cực cần phải tránh xa.
Câu hỏi số 13: câu hỏi yêu cầu suy luận trên nội dung của ngữ liệu
Ví dụ: Dựa vào đoạn trích, anh chị hãy cho biết để theo kịp sự phát triển của thời đại, anh chị phải làm gì?
Lưu ý: Đáp án không có trong VB, buộc ta căn cứ vào nội dung ngữ liệu để chép lại mà buộ ta phải suy luận để trả lời.
*Cách trả lời:
Ví dụ: Từ nội dung đoạn trích ta thấy để theo kịp sự phát triển của thế giới hiện đại thì trước hết mỗi chúng ta cần phải thay đổi tầm nhìn, tiếp đến là phải thay đổi tư duy, tác phong, lề lối làm viêc, nhanh chóng tiếp cận khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, mỗi người cần năng động, linh hoạt trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.
Câu hỏi số 14: Câu hỏi yêu cầu nhận xét về 1 đối tượng trong ngữ liệu
Ví dụ: Nhận xét về hành vi của đứa bé 3 tuổi, cô gái có bạn bị ốm, cậu bé Bồ Đào Nha được nhắc tới trong đoạn trích?
*Cách trả lời:
Ví dụ: Hành vi của đứa bé 3 tuổi, cô gái có bạn bị ốm, cậu bé Bồ Đào Nha được nhắc tới trong đoạn trích đã thể hiện sự thấu hiểu và chia sẻ với người khác. Đó là những hành vi đẹp, có ý nghĩa nhân văn, đáng được ngợi ca, trâ trọng…
Câu hỏi số 15. Câu hỏi yêu cầu khái quát hiệu quả của biện pháp tu từ
+ Dạng 1: Chỉ ra biện pháp tu từ và cho biết hiệu quả của biện pháp tu từ đó trong câu thơ/ câu văn sau…
Ví dụ: Chỉ ra và nêu hiệu quả của hai biện pháp tu từ trong các dòng thơ sau:
Chỉ còn nước bạc, bùn nâu
Chỉ còn bao nỗi lo âu chất chồng
Chỉ còn mẹ với mùa đông
Ngực trần không yếm, bếp không khói chiều
+ Chỉ ra biện pháp tu từ (1 hoặc nhiều BP) và trích dẫn câu chữ, hình ảnh có chứa biện pháp tu từ đó.
+ Khái quát ngắn gọn hiệu quả của BPTT đó (Nội dung và nghệ thuật)
+ Dạng 2: Nêu hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ/ câu văn…
Ví dụ: Nêu hiệu quả của hai biện pháp tu từ trong các dòng thơ sau:
Chỉ còn nước bạc, bùn nâu
Chỉ còn bao nỗi lo âu chất chồng
Chỉ còn mẹ với mùa đông
Ngực trần không yếm, bếp không khói chiều
Lưu ý: Câu hỏi chỉ yêu cầu nêu hiệu quả của BPTT nhưng để nêu hiệu quả của BPTT thì nhất thiết phải chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng.
Chỉ còn nước bạc, bùn nâu
Chỉ còn bao nỗi lo âu chất chồng
Chỉ còn mẹ với mùa đông
Ngực trần không yếm, bếp không khói chiều
Hai biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên là phép điệp (có thể chọn điệp từ “không”, điệp ngữ “chỉ còn”, điệp cấu trúc (Chỉ còn+ CN+VN) và phép liệt kê trong các hình ảnh “nước bạc”, “bùn nâu”, “nỗi lo âu”, “mẹ với mùa đông”. Với hai biện pháp tu từ trên, tác giả đã nhấn mạnh nỗi đau, sự mất mát không thể kể xiết, không thể đong đếm hết do thiên tai gây ra mà con người phải gánh chịu. Bên cạnh đó còn tạo nên giọng điệu cảm thương, day dứt cho lời thơ.
+ Dạng 3: Nêu hiệu quả của phép điệp/câu hỏi tu từ/so sánh.. được sử dụng trong câu thơ/ câu văn…(Đã xuất hiện trong đề thi 2018)
Ví dụ: Nêu tác dụng của câu hỏi tu từ được sử dụng trong hai câu văn sau: … Điều gì xảy ra nếu chúng ta chống lại những cú va đập của cuộc sống thay vì chấp nhận chúng? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không chịu mềm dẻo uốn mình như cây liễu và khăng khăng chống chọi như cây sồi?
Hai câu văn trên đã sử dụng câu hỏi tu từ. Với hai câu hỏi tu từ đó, tác giả đã khiến mọi người nhận thức rõ hơn về lợi và hại của 2 sự lựa chọn: chống lại những khó khăn, thử thách hay mềm dẻo, linh hoạt thích nghi với hoàn cảnh. Câu hỏi tu từ cũng chính là câu trả lời: không nên chống lại những cú va đập của đời sống mà nên tìm cách để chấp nhận và thích nghi với chúng. Có như vậy, chúng ta mới có thể tồn tại, phát triển và tránh được sự căng thẳng, âu lo, suy sụp không đáng có. Bên cạnh đó, việc sử dụng câu hỏi tu từ còn tạo ra sự liên kết giữa các câu; tạo giọng điệu băn khoăn, trăn trở, chiêm nghiệm cho đoạn trích.
Lưu ý: Khái quát hiệu quả biện pháp tu từ nếu có nhiều BPTT thì không nhất thiết phải nêu hiệu quả của từng BP mà có thể khái quát chung
Câu hỏi số 16: Câu hỏi yêu cầu lựa chọn và lí giải một ý kiến được trích từ ngữ liệu
Ví dụ: Anh chị có đồng tình với ý kiến
+ Bước 1: Trích lại nguyên văn ý kiến trong câu hỏi
+ Bước 2: Nêu quan điểm của cá nhân (có thể lựa chọn 1 trong ba quan điểm)
+ Bước 3: Đưa ra lí lẽ bảo vệ quan điểm của mình (Trả lời câu hỏi vì sao?)
Câu hỏi số 17: Câu hỏi yêu cầu rút ra bài học nhận thức từ ngữ liệu
+ Trường hợp 1: Câu hỏi yêu cầu rút ra thông điệp bản thân tâm đắc nhất.
Ví dụ: Thông điệp nào trong đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với anh chị?
Ví dụ: Đoạn trích ngắn gọn nhưng đưa đến cho người đọc nhiều bài học sâu sắc. Với tôi bài học có ý nghĩa nhất là luôn phải vượt qua mọi thử thách để vươn lên trong cuộc sống. Trước hết vượt qua thử thách là để bồi đắp thêm ý chí, nghị lực, bản lĩnh và kinh nghiệm. Tiếp đến vượt qua thử thách cũng chính là cách tốt nhất để thích ứng với cuộc sống vốn luôn nhiều sóng gió. Thêm nữa trong quan niệm của tôi, con người ta chỉ thực sự hạnh phúc khi những gì mình có được là sản phẩm của quá trình phấn đấu vượt qua thử thách chông gai.
+ Trường hợp 2: Câu hỏi yêu cầu rút ra tất cả bài học từ ngữ liệu
Câu hỏi số 18: Câu hỏi yêu cầu liên hệ vấn đề được tác giả trình bày trong ngữ liệu với thực tiễn đời sống.
Ví dụ: Theo anh/chị, quan điểm tác giả trong hai dòng thơ: Ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/ Tiềm lực còn ngủ yên có còn phù hợp với thực tiễn đời sống hiện nay? Vì sao? (Đề thi 2018)
Câu hỏi số 19: Câu hỏi yêu cầu trình bày ý nghĩa của một lời khuyên trong bài đọc hiểu đối với bản thân
+ Ý nghĩa nhận thức: Lời khuyên đó giúp tôi nhận ra rằng/ hiểu rằng/biết rằng…
+ Ý nghĩa hành động: Lời khuyên ấy giúp bản thân nhận ra phương hướng hành động như thế nào?
Ví dụ: Lời khuyên: đừng tìm kiếm, đừng trông chờ hay thậm chí đổ lỗi cho vận may có ý nghĩa gì với anh/chị?
Trả lời: Lời khuyên của tác giả “đừng tìm kiếm, đừng trông chờ hay thậm chí đổ lỗi” cho vận may có ý nghĩa sâu sắc (quan trọng/thiết thực) với tôi vì nó giúp tôi nhận ra rằng:
+ Tìm kiếm, trông chờ vận may sẽ dẫn đến thụ động, dựa dẫm, kìm hãm sự nỗ lực của bản thân, thành công đạt được có thể không bền vững.
+ Không nên đổ lỗi cho vận may vì điều đó cho thấy sự thiếu dũng cảm, thiếu trách nhiệm của bản thân trước những thất bại của mình.
+ Từ lời khuyên của tác giả giúp ta nhận thức được: hãy luôn sống chủ động, tích cực, đừng tìm kiếm, trông chờ vận may.
Câu hỏi số 20: Câu hỏi yêu cầu nhận xét về tư tưởng, tình cảm của tác giả thể hiện trong đoạn trích/ hoặc 1 số câu văn, câu thơ.
+ Tư tưởng đó có giàu giá trị nhân văn không?
+ Tư tưởng đó có phù hợp với truyền thống không?
+ Tư tưởng đó có thuận theo xu thế thời đại không?
Ví dụ:
Anh/ chị hãy nhận xét về tình cảm của tác giả qua những câu thơ sau:
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều
Những câu thơ trên đã thể hiện sự trăn trở của tác giả trước sự mai một văn hóa truyền thống của dân tộc. Tư tưởng tình cảm ấy cho thấy tác giả là người có ý thức dân tộc, có khát vọng níu giữ hồn quê dân tộc trong bối cảnh chế độ xã hội thực dân. Tư tưởng tình cảm ấy có ý nghĩa như một lời nhắn nhủ đối với mọi người về trách nhiệm gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của cha ông ta.
LUYỆN ĐỀ ĐỌC HIỂU
ĐỀ SỐ 1
Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả dập dờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
Quê hương biết mấy thân yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau
Mặt người vất vả in sâu
Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn.
Đất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên
Đạp quân thù xuống đất đen
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa
(Trích Việt Nam quê hương ta- Nguyễn Đình Thi)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1: Đoạn trích trên được viết theo thể thơ gì?
Câu 2: Chỉ ra những hình ảnh thể hiện vẻ đẹp quê hương đất nước trong đoạn thơ trên?
Câu 3:
Đất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên
Đạp quân thù xuống đất đen
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa
Những câu thơ trên giúp anh chị hiểu gì vẻ đẹp gì của con người Việt Nam?
Câu 4: Nhận xét về tư tưởng tình cảm của tác giả thể hiện trong đoạn thơ.
ĐỀ 2
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
“...Với học sinh, thách thức của các em cũng vô cùng to lớn.
Là thế hệ của thế kỉ 21, các em sẽ phải đối mặt với một thế giới đầy biến động: những biến đổi khí hậu bất thường, nguồn tài nguyên đang cạn kiệt, môi trường đang bị ô nhiễm và bị tàn phá ghê gớm. Ngoài ra, những định hướng nghề nghiệp em chọn cho mình trong hôm nay, chưa chắc có thể tồn tại ở ngày mai. Trong một công trình nghiên cứu của mình, Howard Gardner, cha đẻ của thuyết đa trí tuệ đã từng chỉ ra: đến năm 2030, 47% nghề nghiệp hiện nay sẽ biến mất. Nghĩa là có những nghề nghiệp mới ra đời và thay thế nghề nghiệp cũ, em đã chuẩn bị tâm thế cho mình trước sự thay đổi đó chưa?
Lại thêm một câu hỏi nữa đặt ra “Liệu chúng ta, thế hệ của một Việt Nam đầy sức trẻ có tụt hậu với cuộc cách mạng 4.0 như chúng ta tụt hậu với cuộc cách mạng 3.0 hay không?"
Cốt lõi của sự thay đổi là sự dũng cảm của mỗi người. Dũng cảm để thừa nhận, dũng cảm để học hỏi, dũng cảm để tìm giải pháp, cách thức, dũng cảm để đối đầu.
Các em dũng cảm để đối mặt với việc lười nhác, với việc học tập thụ động. Đối mặt với những thói hư tật xấu của mình và xã hội. Đối mặt với sự vô cảm của mình ngay cả với những người thân yêu nhất. Đối mặt với thách thức để các em nhận ra mình thiếu tư duy phản biện, một phẩm chất không thể thiếu của công dân thế kỷ 21...”
(Bài phát biểu khai giảng - Thầy Nguyễn Minh Quý -THPT Trần Nguyên Hãn - Hải Phòng 05/09/2017)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2. Trong đoạn trích, người viết đã chỉ ra những thách thức nào mà học sinh phải đối mặt ở thế kỉ XXI?
Câu 3. Nêu hiệu quả của việc sử dụng câu hỏi tu từ trong câu văn sau: “Liệu chúng ta, thế hệ của một Việt Nam đầy sức trẻ có tụt hậu với cuộc cách mạng 4.0 như khi ta tụt hậu với cuộc cách mạng 3.0 hay không?”
Câu 4. Quan điểm “Những định hướng nghề nghiệp em chọn cho mình trong hôm nay, chưa chắc có thể tồn tại ở ngày mai” trong đoạn trích có ý nghĩa gì với anh/chị?