Đối với mỗi học sinh, việc học tiếng mẹ đẻ đã là khó khăn học ngoại ngữ lại càng khó khăn hơn. Lưu học sinh Lào học tiếng Việt từ những bước chập chững ban đầu đến lúc vào học chuyên ngành gặp vô số “rào cản ngôn ngữ”. Từ thực tế giảng dạy tiếng Việt của Khoa Tiếng Việt, chúng tôi xin đưa ra một số gợi ý để giúp các em vững vàng vượt qua những khó khăn ban đầu và tự tin bước tiếp trên con đường lĩnh hội kiến thức thông qua ngôn ngữ thứ hai - tiếng Việt.
Thứ nhất: Nắm vững những kiến thức cơ bản về ngữ âm tiếng Việt
Nhiều người nghĩ rằng ngữ âm không quan trọng, kiến thức ngữ âm chỉ là một vài nội dung sơ đẳng ban đầu để có thể đọc, viết được tiếng Việt. Đây là một quan điểm nên đánh giá lại. Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập với hệ thống phụ âm, nguyên âm đa dạng và hệ thống thanh điệu phức tạp. Vì vậy, việc nắm vững các kiến thức về phụ âm (phụ âm đầu, phụ âm cuối, phụ âm đơn, phụ âm ghép) và các nguyên âm (nguyên âm đơn, nguyên âm đôi) là thử thách đầu tiên học sinh phải hiểu và ghi nhớ. Khi nắm được các nguyên âm, phụ âm thì việc ghép vần, kết hợp vần với phụ âm đầu để tạo thành tiếng luôn trôi chảy và thú vị hơn nhất là các tiếng được sử dụng thêm sáu thanh điệu để tạo nên những hình vị có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.
Nếu như trong các loại hình ngôn ngữ không đơn lập trọng âm góp phần tạo nên ý nghĩa khác nhau của từ thì thanh điệu trong tiếng Việt cũng có giá trị tương tự. Việc nhận diện đúng các thanh điệu trong khi đọc và phát âm là mấu chốt để người học có thể hiểu, phân biệt được nghĩa của từ để nghe, viết chính xác tạo đà cho những thành công tiếp theo. Bạn đừng vội đọc, vội nói khi chưa nắm vững những kiến thức cơ bản về ngữ âm. Hãy học thật kĩ phần ngữ âm để tránh gặp lỗi khi học tiếp các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết.
Thứ hai: Tích lũy vốn từ vựng hàng ngày để làm giàu tri thức tiếng Việt
Nhiều bạn lưu học sinh thường chủ quan đối với việc học từ vựng và chưa có ý thức học từ vựng. Nếu bạn không có từ mới khi học tiếng Việt chẳng khác gì khi bạn đi chợ mà trong túi không có tiền! Bạn không nhớ âm, nhớ nghĩa của từ thì làm sao nghe người khác nói và hiểu được họ muốn nói gì... lúc đó nếu buộc phải trả lời, bạn sẽ rơi vào trạng thái “ông nói gà, bà nói vịt” và làm suy giảm hứng thú được giao tiếp bằng tiếng Việt với mọi người.
Bạn sẽ rất say mê nếu bạn đọc và hiểu được nghĩa của các câu tiếng Việt để so sánh với tiếng “mẹ đẻ” của mình. Muốn như vậy, bạn hãy cố học thuộc lòng mỗi ngày mười từ, ước tính một tháng bạn có ba trăm từ mới và chẳng bao lâu bạn sẽ là người có trong túi thật nhiều tiền để đi chợ, lúc đó bạn sẽ mua gì tùy ý thích. Bạn hãy học từ vựng mọi lúc, mọi nơi chứ đừng chờ những tiết học trên lớp.
Thứ ba: Nắm vững từ loại, cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt
Từ loại tiếng Việt có ý nghĩa khái quát và chức năng khác nhau nếu bạn hiểu rõ về từng tiểu loại thì việc dùng từ đặt câu, việc hiểu ý nghĩa của câu chẳng có gì khó khăn. Ví dụ: Danh từ là những từ chỉ sự vật, thường làm chủ ngữ và đứng ở đầu câu.
Cấu trúc ngữ pháp là mô hình trừu tượng trong các ngôn ngữ nhưng bắt buộc mọi người phải tuân theo khi học các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Nếu bạn nắm vững cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt thì chắc chắn bạn sẽ viết đúng, nói đúng những nội dung mà mình muốn diễn đạt và hiểu đúng những gì người khác nói với bạn hoặc bạn tự lĩnh hội được khi đọc. Bạn hãy nắm vững từ loại, cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt và luôn so sánh chúng với ngữ pháp tiếng Lào để sử dụng trong mọi trường hợp mà không sợ sai
Thứ tư: Thái độ học tập của bạn là điều quan trọng nhất
Trước hết bạn phải xác định được mục tiêu học tập của mình và có kế hoạch học tập thật cụ thể. Đặc biệt, bạn phải luôn nêu cao khẩu hiệu “Tự học và tự học” để hiểu biết thật nhiều về đối tượng mà mình đang chiếm lĩnh.
Bạn không nên chán nản những lúc gặp khó khăn. Bạn hãy chăm chỉ, kiên trì, chịu khó để vượt qua mọi thử thách. Bên cạnh bạn có bạn bè, thầy cô và gia đình. Bạn hãy mạnh dạn chia sẻ những điều mình tâm đắc và cả những điều bạn chưa hiểu để mọi người cùng giúp nhau học tốt hơn.
Bạn nên hòa đồng và cới mở khi học theo nhóm để có cơ hội học tập nhiều hơn (luyện nói về một mẫu câu hoặc thảo luận về nội dung được giáo viên yêu cầu) và gần gũi mọi người để “học mà chơi”.
Những gợi ý nhỏ sẽ giúp bạn có thêm bí quyết để học tốt tiếng Việt. Bạn sẽ dễ dàng tiếp nhận các tri thức khoa học chuyên ngành từ một nền tảng tiếng Việt vững vàng. Hãy dùng “chìa khóa tiếng Việt” để mở lâu đài tri thức của bạn!