2. Về lĩnh vực văn học, sử học
Trước tác của Lê Tuấn hiện chỉ còn hai quyển “Yên thiều bút lục” (văn) và “Như thanh nhật ký” (sử - văn) viết khi ông đi sứ Nhà Thanh về. Ngoài ra, ông còn làm Phó Tổng tài Quốc sử quán, tham gia biên soạn bộ sử Đại Nam thực lục chính biên (Đệ tam kỷ - Quyển thủ), là bộ sử chính thống của Nhà Nguyễn.
Lê Tuấn thường sáng tác khi đi sứ do có thời gian và điều kiện nhàn rỗi hơn. Những trước tác về thơ văn của Lê Tuấn không nhiều, hơn nữa việc tìm lại những sáng tác thơ văn trong quá trình làm quan của ông vô cùng khó khăn. Sách Đại Nam nhất thống chí và Địa chí Khánh Hòa đều có nhắc đến sáng tác của Thượng thư Lê Tuấn nhưng không thấy chép nêu tên cụ thể là bài tên là gì? Nội dung ra sao? Chỉ biết rằng: “Những danh nhân quá bộ đến đây, có nhiều người dựng bia, đề thơ đề kỷ niệm danh thẳng như: Nguyên Hiệp biện lãnh Thượng thơ Phan Thanh Giản, Khánh Hòa Bố chánh Nguyễn Quỳnh, Thuận - Khánh Tuần phủ Nguyễn Thạnh, Bình Thuận Bố chánh Trần Điền, sung Điền Nông sứ Phan Trung, đều có lập bi ký; Hình bộ Thượng thư sung chính sử Lê Tuấn, Lễ bộ Tham tri Nguyễn Văn Tường, Khánh Hòa Đốc học Đinh Nho Quang đều có thơ đề vịnh”[1] (Xem ảnh phụ lục chụp kèm ở dưới).
Những ghi chép về ông khi làm Phó Tổng tài tham gia biên soạn sách Đại Nam thực lục trong cơ quan Quốc Sử quán triều Nguyễn[2] do ông làm Phó Tổng tài cụ thể như thế nào thì khó lòng xác định cho được rõ ràng. Chính sử triều Nguyễn vẫn chép phần ông biên soạn có các vị Tổng tài (3 vị), Phó Tổng tài (6 vị). Sử chép: “Vâng sắc Chỉ của vua cho chép rõ các quan chức tên họ những viên (sung vào làm bộ Thực lục Đệ tam kỷ) này: (từ năm Tự Đức thứ 29 [1876] trở về trước đã từng tiết thứ sửa làm).
Tổng tài: Cố mệnh lương thần, Thái bảo, Cần chính điện Đại học sĩ, quản lý Binh bộ sự vụ, sung Cơ mật viện đại thần, sung Kinh diên giảng quan, kiêm lĩnh Khâm thiên giám, Tuy Thịnh quận công, thần: Trương Đăng Quế.
Văn minh điện Đại học sĩ, lĩnh Binh bộ Thượng thư, sung Cơ mật viện đại thần, kiêm quản Khâm thiên giám sự vụ, sung Kinh kỳ hải phòng sứ, thần: Trần Tiễn Thành.
Hiệp biện Đại học sĩ, lĩnh Hộ bộ Thượng thư, kiêm lĩnh Quốc tử giám, sung Cơ mật viện đại thần, thần: Phan Thanh Giản.
Phó tổng tài:
Hiệp biện Đại học sĩ, lĩnh Lễ bộ Thượng thư, thần: Lâm Duy Thiếp.
Thự Hiệp biện Đại học sĩ, lĩnh Lễ bộ Thượng thư, thần: Lê Bá Thận.
Hình bộ Thượng thư, sung Kinh diên nhật giảng quan, kiêm biện Khâm thiên giám sự vụ, thần: Trương Quốc Dụng.
Thự Hình bộ Thượng thư kiêm quản Quốc tử giám, thần: Phan Huy Vịnh.
Tham tri quyền lĩnh Lại bộ Thượng thư, thần: Nguyễn Tư Giản.
Hình bộ Tả tham tri quyền sung Thương bạc, thần: Lê Tuấn”[3].
3. Kết luận
Có thể khái quát một vài nét về Hoàng giáp Thượng thư Lê Tuấn như sau: ông là một trong những đại thần triều Nguyễn dưới thời vua Tự Đức, quê xã Hà Trung, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Thuở nhỏ học tại quê nhà, năm Canh Tuất đỗ cử nhân tại trường thi Nghệ An, năm Qúy Sửu đỗ Tiến sĩ lúc 35 tuổi. Ông làm quan trải các chức trong triều ngoài quận, hai lần làm chánh sứ sang nước Thanh và nước Pháp. Từng làm Tham tri bộ Hình sau thăng đến Thượng thư… Khi mất được tặng làm Hiệp biện Đại học sĩ. Khi đi sứ sang Pháp vua Tự Đức có tặng thơ, nhưng chuyến đi này không thành vì phái đoàn vừa vào tới Gia Định thì ông lâm bệnh rồi mất đột ngột ở Sài Gòn. Sau đó, thi hài ông đưa về Huế rồi an táng tại quê nhà Hà Tĩnh. Cuộc đời và sự nghiệp của ông có nhiều đóng góp đối với triều Nguyễn trên nhiều lĩnh vực. Đối với lĩnh vực quân sự: nhiều năm ông cầm quân ngoài các tỉnh Bắc Kỳ đánh dẹp nạn phỉ hoành hành ở Bắc Kỳ; ông còn có những đóng góp về kinh tế, đê điều, thủy lợi… Ngoài những lĩnh vực trên ông còn có những đóng góp về thơ, văn: ông là tác giả các sách Yên thiều bút lục, Như Thanh nhật kí. Đặc biệt, ông là Phó Tổng tài Quốc Sử quán triều Nguyễn tham gia biên soạn bộ sách Đại Nam thực lục[4]. Với tài đức vẹn toàn, Lê Tuấn được nhà vua quý trọng, người đương thời mến mộ. Cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng giáp Thượng thư Lê Tuấn tiêu biểu cho truyền thống cần cù, hiếu học, ý chí vươn lên mạnh mẽ của người dân Kỳ Anh nói riêng và người Hà Tĩnh nói chung.
[1] Đại Nam nhất thống chí, Quyển 10-11, Nha Văn hóa, Bộ Văn hóa - Giáo dục, Sài Gòn, 1964, tr.93. Xem thêm: Địa chí Khánh Hòa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.444.
[2] Đại Nam thực lục là bộ chính sử lớn nhất, quan trọng nhất của nhà Nguyễn, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn trong 88 năm mới hoàn thành, tính từ khi bắt đầu làm (1821 - Minh Mệnh năm thứ hai) đến khi hoàn thành và khắc in xong những quyển cuối cùng (1909 - Duy Tân năm thứ ba). Phần ông tham gia biên soạn năm ở tập 6 (bản dịch của Viện Sử học Việt Nam, xuất bản năm 2007):
- Tập sáu: Kỷ thứ ba (từ 1841 đến 1847) - Cao Huy Giu, Trịnh Đình Rư, Trần Huy Hân, Nguyễn Trọng Hân dịch. Hoa Bằng hiệu đính.
[3] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 6, bản dịch Viện Sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.16.
[4] Bộ sách hiện nay đã được Viện Sử học dịch, xuất bản nhiều lần, phần ông biên soạn nằm trong tập 6.