Việt Nam và Lào tuy hai quốc gia có nền văn hóa, ngôn ngữ khác nhau nhưng đều là những nước nằm trong khu vực Đông Nam Á có chung biên giới. Nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam - Lào đặt trong sự so sánh, đối chiếu giúp chúng tôi tìm ra những điểm giống và khác biệt giữa hai ngôn ngữ để định hướng, tìm ra phương pháp dạy phù hợp cho lưu học sinh Lào đang học tiếng Việt.
Về nguồn gốc ngôn ngữ Việt - Lào, mặc dù từ trước đến nay nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu nguồn gốc của hai ngôn ngữ này nhưng ở khía cạnh tách biệt, chưa có một ai đặt chúng trong mối quan hệ so sánh đối chiếu. Từ những thành tựu nghiên cứu của người đi trước chúng tôi nhận thấy quan điểm nguồn gốc tiếng Lào có sự thống nhất. Tiếng Lào là ngôn ngữ thuộc tiểu nhóm Tây Nam, nhóm Tày - Thái, họ ngôn ngữ Thái, là ngôn ngữ chính thức và ngôn ngữ giao tiếp giữa các tộc người của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào. Tiếng Lào còn được phân bố ở đông bắc Thái Lan. Tiếng Lào phân thành hàng chục phương ngữ và thổ ngữ, giữa chúng khác nhau không lớn về ngữ âm và một phần về từ vựng. Ở Lào có ba nhóm phương ngữ chính: nhóm Bắc, nhóm Trung và nhóm Nam. Phương ngữ Viêng Chăn là cơ sở hình thành ngôn ngữ văn học Lào.
Tuy nhiên, so với tiếng Lào, nguồn gốc tiếng Việt có nhiều ý kiến khác nhau hơn nhưng tựu trung lại có ba ý kiến được nhiều người quan tâm.
Ý kiến thứ nhất xếp tiếng Việt cùng nguồn gốc với các ngôn ngữ Đông Nam Á -Tiếng Việt thuộc họ Nam Đảo. Với cách hiểu đó có nghĩa là các ngôn ngữ Môn- Khmer, ngôn ngữ Nam Đảo, ngôn ngữ Thái là cùng một họ. Theo ý kiến này suy ra tiếng Lào và tiếng Việt có chung nguồn gốc. Nhưng thực tế vùng Đông Nam Á là vùng địa lí rộng lớn, ở đó không chỉ có một họ ngôn ngữ mà có nhiều họ ngôn ngữ khác nhau, đây là địa bàn ngôn ngữ khá đa dạng.
Ý kiến thứ hai xếp tiếng Việt vào họ ngôn ngữ Thái. Những học giả xếp tiếng Việt vào họ Thái như K. Himly, H. Maspero đã đưa ra các lập luận khá chặt chẽ, tỉ mỉ về sự tương đồng về vốn từ, hiện tượng ngữ pháp và ngữ âm của tiếng Việt với các ngôn ngữ thuộc họ Thái. Xét về từ vựng, lớp từ cơ bản trong tiếng Việt có sự tương ứng với các ngôn ngữ thuộc họ Thái. Bên cạnh đó bằng những dẫn chứng cụ thể, H. Maspero đã phân tích cấu tạo từ và cho rằng việc dùng các tiền tố ở tiếng Việt tiêu biểu rõ rệt ở họ Thái. Đối với ông, xét ở phương diện ngữ pháp, tiếng Việt nghiêng hẳn về phía họ ngôn ngữ Thái. Ngoài ra, để khẳng định điều ông còn đưa ra bằng chứng về sự xuất hiện thanh điệu của tiếng Việt với các ngôn ngữ họ Thái. Nếu theo ý kiến này, tiếng Lào và tiếng Việt cũng có chung nguồn gốc ngôn ngữ (họ Thái). Chúng tôi đưa ra những ý kiến đó để thấy rằng dù là hai ngôn ngữ khác nhau nhưng tiếng Lào và tiếng Việt có rất nhiều điểm tương đồng khiến cho nhiều học giả đã kết luận chúng là những ngôn ngữ có cùng nguồn gốc. Sau một thời gian dài chấp nhận kết luận của H. Maspero, vào năm 1953 nhà bác học A.G. Haudricourt đã phản bác ý kiến trên và khẳng định tiếng Việt thuộc họ Nam Á, nhánh Môn – Khmer, chi Việt Mường. Ông đã đưa ra những dẫn chứng thuyết phục, hợp lí, chính xác khách quan. Một số từ tiếng Việt giống tiếng Lào và tiếng Siam thuộc họ ngôn ngữ Thái được ông chứng minh do sự tiếp xúc vay mượn về ngôn ngữ. Như vậy, từ rất xưa người Việt và người Lào cũng đã có sự tiếp xúc về ngôn ngữ. Bên cạnh vấn đề từ vựng thì thanh điệu cũng được A. G. Haudricouurt làm rõ. Mặc dù, thanh điệu trong tiếng Việt giống các ngôn ngữ thuộc họ Thái nhưng không thể ngăn cản tiếng Việt có nguồn gốc từ Môn – Khmer. Từ cách giải thích logic, khoa học của A.G. Haudricouurt chứng tỏ hệ thống thanh điệu xuất hiện trong tiếng Việt hiện đại chứ không phải có mặt ngay từ thời tiền ngôn ngữ.
Việc giải thích thuyết phục nguồn gốc thanh điệu là một trong số căn cứ khẳng định tiếng Việt không có nguồn gốc từ họ ngôn ngữ Thái mà có nguồn gốc từ Môn Khme . Điều đó chứng tỏ tiếng Việt và tiếng Lào không có mối quan hệ họ hàng thân thuộc. Sự giống nhau giữa tiếng Việt và tiếng Lào là nghiêng về khả năng vay mượn và tiếp xúc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Mai Ngọc Chừ, (2002) Tạp chí Ngôn ngữ số 5 “Dạy tiếng Việt với tư cách một ngoại ngữ”.
2. Phạm Đức Dương (1998), Ngôn ngữ và văn hoá Lào trong bối cảnh Đông Nam Á, Nxb Chính trị Quốc gia.
Khoa Tiếng Việt được đổi tên từ ngày 01/01/2017 theo Quyết định số 2313/QĐ-TĐHHT của Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh. Tiền thân là Khoa SP Xã hội - Nhân văn được thành lập tháng 6 năm 2007.
Ngoài nhiệm vụ giảng dạy các học phần về Ngôn ngữ và văn hóa cho các ngành học và bộ môn Ngữ văn tại Trường TH, THCS,THPT, ĐHHT, thì một nhiệm vụ trọng tâm của Khoa Tiếng Việt là đào tạo Tiếng Việt cho Lưu học sinh Lào. Đó vừa là nhiệm vụ chuyên môn vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh bạn nói riêng cũng như hai nước Việt – Lào nói chung đã và đang quan tâm đặc biệt. Khoa Tiếng Việt – điểm đến đào tạo Tiếng Việt của LHS Lào đã có một bề dày truyền thống với đội ngũ giảng viên có nhiều kinh nghiệm, nhiệt huyết đã khẳng định vai trò, chất lượng của mình trong suốt gần 20 năm qua. Với chương trình học tập khoa học, chất lượng, phù hợp được biên soạn bởi các nhà nghiên cứu, giảng dạy tiếng Việt hàng đầu kết hợp với bộ giáo trình của các giảng viên giảng dạy tại Khoa đảm bảo thời lượng học tập trong suốt 10 tháng. Bên cạnh đó, các hoạt động ngoại khóa tham quan các di tích lịch sử - văn hóa , các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Hà Tĩnh cũng như các hoạt động Câu lạc bộ Tiếng Việt, giao lưu, đối thoại với học sinh, sinh viên Việt Nam và nhiều hoạt động khác nữa, LHS Lào đã từng bước làm quen và rèn luyện kỹ năng tiếng Việt của mình. Chương trình học không chỉ cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về tiếng Việt và thực hành tiếng Việt, những kiến thức về Việt Nam học như: lịch sử, văn hóa, văn học, kinh tế, chính trị, ... liên quan đến cuộc sống và văn hóa Việt Nam mà đây còn là chương trình dự bị đại học, giúp người học có kiến thức về tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Sau khi kết thúc khóa học, người học có thể giao tiếp tốt trong môi trường tiếng Việt, nghe được các giờ giảng chuyên ngành bằng tiếng Việt trên lớp học hay nghiên cứu chuyên sâu về Việt Nam.
Hàng năm, Khoa Tiếng Việt đều có sự cập nhật, sửa đổi chương trình dạy học nhằm đảm bảo và đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra theo khung năng lực đánh giá chất lượng 6 Bậc của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Các phương pháp dạy học mới cũng được áp dụng, thay đổi thường xuyên để tạo hứng thú và kích thích sự say mê ở người học. Giảng viên khoa Tiếng Việt không chỉ giảng dạy trên lớp mà còn quan tâm sát sao đến cuộc sống hàng ngày của các em. Khoa luôn phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường và các phòng ban để kịp thời có những động viên về vật chất và tinh thần đối với LHS Lào đang theo học Tiếng Việt tại khoa, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau trong quá trình học tập. Có thể thấy, Khoa luôn nỗ lực không ngừng để đảm bảo chất lượng dạy học cũng như chất lượng cuộc sống của LHS những ngày xa quê hương.
Trong suốt gần 20 năm giảng dạy Tiếng Việt, khoa đã nhiều lần được lãnh đạo Tỉnh Hà Tĩnh, Trường Đại học Hà Tĩnh và lãnh đạo các tỉnh nước bạn như Tỉnh Bolykhamxay, Tỉnh Khăm Muộn,… tặng bằng khen. Nhưng món quà lớn nhất, khẳng định chất lượng đào tạo tiếng Việt của Khoa, đó chính là kết quả học tập của các em LHS Lào. Phần lớn các em đã hoàn thành chương trình học tiếng Tiếng Việt tại Khoa đều đủ năng lực tham gia đào tạo bậc Đại học trong cả nước và sau khi ra trường đều có việc làm tốt, một số LHS còn giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo các Tỉnh, địa phương của nước bạn Lào.
Khoa Tiếng Việt đã và luôn luôn dang rộng vòng tay chào đón các em LHS Lào đến học tập tại Khoa để các em có những trải nghiệm tuyệt vời nhất của những tháng ngày thanh xuân tươi đẹp dưới mái trường Đại học Hà Tĩnh thân yêu và viết tiếp những câu ca mới vào bài ca hữu nghị Việt - Lào.
Câu đố là một thể loại văn học dân gian, gồm hai bộ phận: bộ phận lời đố và bộ phận lời giải (vật đố); lời đố bằng văn vần nhằm miêu tả vật đố một cách xác thực, hợp lẽ nhưng lại làm cho lạ hoá để khó đoán giải. Lời giải nêu tên vật đố, là những sự vật hành động phổ biến mà ai cũng từng hay, từng biết”(Ninh Viết Giao).
Đối với loài vật, sự chú ý của người dân phụ thuộc vào sự vật xa hay gần, ngoài hay trong tầm tay chế ngự của con người. Câu đố thường chỉ chú trọng những con vật ở gần, hoặc bên cạnh người, hay ở xa nhà nhưng trong tầm tay chế ngự. Các con vật trong nhà có thể là gia súc, gia cầm, những chó, mèo, trâu, bò, gà lợn…Lối nhìn loài vật thông qua cách nhân hoá, so sánh, ẩn dụ có khi là chơi chữ, nói lái, dùng từ đồng âm, đồng nghĩa…
Và dưới đây là những đặc điểm của con vật thường được miêu tả bằng cách so sánh liên tưởng trong quá trình sáng tạo câu đố của người Việt.
1. So sánh dựa trên sự giống nhau về hình thức của con vật
Đặc điểm hình thức bên ngoài được người ta so sánh liên tưởng nhiều nhất trong khi miêu tả về con vật.
Ví dụ: So sánh toàn bộ cơ thể con vật
Con gì trông tựa con voi
Nhưng ngà mọc ngược mà vòi lại không
(Con trâu)
Vừa bằng lá tre, le te dưới nước
(Con đỉa)
So sánh liên tưởng bộ phận cơ thể con vật:
Vừa bằng cái bát, san sát giữa đồng
(Vết chân trâu)
Một chổi mà quét hai hè
Quét đi quét lại những hai ba lần
(Đuôi trâu)
Con trâu, các bộ phận của con trâu, con đỉa ở đây được miêu tả hết sức sinh động và thú vị. Các sự vật được đem ra so sánh, liên tưởng là những vật quen thuộc hàng ngày, nhưng để tìm được đặc điểm chung giữa các yếu tố ấy mà liên tưởng, hẳn cần có sự quan sát tỉ mỉ và sự gắn bó mật thiết với các sự vật. Đặc biệt, khi so sánh từng bộ phận trên cơ thể con vật thì sẽ hấp dẫn và sống động hơn là khi so sánh toàn bộ cơ thể con vật.
Tám thằng dân khiêng cái quả
Hai ông xã xách hai cái kềm
Một lòng vì nước ngày đêm
Xây nhà dưới hố, bên trên dậu rào
(Con cua)
2. So sánh dựa trên sự giống nhau về kích cỡ của động vật
Đặc điểm kích cỡ cơ thể con vật cũng được so sánh theo hai cách: tất cả cơ thể con vật hoặc một bộ phận nhưng khác với đặc điểm hình thức ở chỗ, phần lớn người ta so sánh tổng thể cơ thể con vật nhiều hơn là từng bộ phận của chúng.
Vừa bằng quả mướp, ăn cướp cả làng
(Con chuột)
Vừa bằng hạt đỗ, ăn giỗ cả làng
(Con ruồi)
So sánh bộ phận cơ thể con vật
Chân to bằng cái cán thìa
Miệng chăm chỉ nói chuyện sớm khuya với trời
(Con gà)
3. So sánh đặc điểm cấu tạo và hoạt động của cơ thể động vật
Ở đặc điểm này, sự so sánh có thể dựa trên sự giống nhau về cấu tạo, hoạt động hoặc so sánh dựa trên sự đồng âm
Giúp người trải mấy ngàn thu
Sao người lại bảo ta ngu vô cùng
Sách ta luôn mang trong lòng
Sao người lại bảo dốt lạ lùng lắm thay.
(Con bò)
Ở đây người ta sử dụng từ đồng âm “sách”: sách có hai nghĩa, vừa là cuốn sách, vừa là một bộ phận trong cơ thể con bò.
Mắt tôi không khác ngọn đèn
Tối trời vẫn nhận bạn quen để chào
(Con chó)
Mắt chó rất sáng và tinh nhanh. Mắt chó được ví với ngọn đèn, đây là sự giống nhau về cấu tạo và hoạt động.
4. So sánh dựa trên sự giống nhau về màu sắc
Đặc điểm màu sắc của con vật thường được liên tưởng đến các loại trang phục của con người như quần xanh, áo đỏ, khăn trắng bận vai, mũ vàng, sắc vua ban…Ở đây, con vật được nhân hoá giống như con người vậy.
Mình xanh mặc áo chỉ vàng
Cà ruột tim tím cái gan hồng hồng
(Con cào cào)
Mặc áo xanh học mót
Nói mà chẳng hiểu đâu
(Con vẹt)
Màu xanh của con vẹt được ví với cái áo xanh rất đặc trưng của người nông dân
5. So sánh đặc điểm về tiếng kêu
Tiếng kêu của con vật thường được ví với các loại âm thanh như các loại nhạc cụ ngày xưa: cồng, kiểng, chuông, bạt. So sánh ở đây không phải là sự giống nhau về âm thanh mà là cùng có âm thanh.
Mẹ đi trước đánh cồng, đánh bạt
Con đi sau vừa hát, vừa reo
(Gà mẹ và đàn gà con)
Mình vàng thắt đai châu sa
Tiếng kêu rủ rỉ như là đàn tranh
Thân bé, cánh mỏng bay quanh
Hái hoa bắt nhuỵ, xây thành nuôi con
(Con ong)
6. So sánh đặc điểm về số lượng
Đặc điểm số lượng phần lớn dùng cho các loài vật sống theo đàn như: ong, kiến, vịt, bồ câu…có số lượng nhiều và thường được so sánh với con người.
Ví dụ: Lầu xây một cột, đôi tầng
Cửa trỏ vào mươi cái cân phân
Đôi ba chục thằng dân đi lui đi tới
Lầu nào vừa hẹp vừa cao
Khách ngoài đến trú xôn xao vui vầy
Lầu nào xấu xí, bầy hầy
Dân chính dân ngụ tẩy chay không về.
(Chim bồ câu)
7. So sánh đặc điểm về giống loài
Để nói về giống đực, giống cái của con vật, người ta thường hay liên tưởng tới giới tính của con người và nhân cách hoá con vật. Con vật trở thành thục nữ, gái chưa chồng, quân tử, chàng, thiếp….
Cô em là gái không chồng
Xây nhà bằng đất nằm trong một mình
Đêm ngày vò võ làm thinh
Biết ai là kẻ tơ tình với em.
(Con tò vò)
Lời đố thật vui tươi nhưng cũng khó đoán giải.
8. Mô tả dựa vào đặc điểm môi trường sống
Môi trường sống của con vật có thể là trên cạn, dưới nước, hay thậm chí ngay trên đầu người:
Nhà xây ở giữa rừng già
Sinh con đẻ cháu hằng hà nhiều thay
Thiên hạ bắt được giết ngay
Giết ngay thì chớ còn bảo: “Mày đàn ông”
(Con chấy)
Con chấy có môi trường sống là ngay trên đầu người. Đầu người lại có nhiều tóc nên được ví với rừng già. Một cách so sánh, liên tưởng thật độc đáo và thú vị.
9. Mô tả hay so sánh về cách thức di chuyển
Người ta sử dụng hình ảnh “đi mây về gió”. Vốn là cách đi lại của tiên giới, để nói về cách di chuyển của con chim, hay con vật nào đó di chuyển bằng cách bay.
Trên đây là những đặc điểm, thuộc tính của con vật được miêu tả bằng cách liên tưởng đến những đối tượng khác có chung đặc điểm ở một mặt nào đó. Hầu hết sự liên tưởng là ở các đặc điểm ngoại hình như hình thức, cấu tạo, kích cỡ, tên gọi, màu sắc. Điều này chứng tỏ người Việt có xu hướng miêu tả những đặc điểm bề ngoài của con vật với những gì mà người ta có thể quan sát được.
Mới ngày nào bỡ ngỡ
Bước chân lên giảng đường
Em tập làm cô giáo
Với phấn trắng, bảng đen
***
Những buổi dạy đầu tiên
Sao mà run đến thế !
Trang giáo án mở ra
Lòng bâng khuâng đến lạ
***
Mùa xuân rồi mùa hạ
Cứ nối tiếp qua mau
Ngày nào cũng gặp nhau
Mái trường thành tri kỷ
***
Bên mái trường yêu dấu
Em - 10 năm tuổi nghề
Sớm chiều trên bục giảng
Lòng dạt dào say mê
***
Đường rộn ràng chân bước
Náo nức những tiếng cười
Giảng đường ngày em đến
Sân trường vàng nắng tươi!
2. Về lĩnh vực văn học, sử học
Trước tác của Lê Tuấn hiện chỉ còn hai quyển “Yên thiều bút lục” (văn) và “Như thanh nhật ký” (sử - văn) viết khi ông đi sứ Nhà Thanh về. Ngoài ra, ông còn làm Phó Tổng tài Quốc sử quán, tham gia biên soạn bộ sử Đại Nam thực lục chính biên (Đệ tam kỷ - Quyển thủ), là bộ sử chính thống của Nhà Nguyễn.
Lê Tuấn thường sáng tác khi đi sứ do có thời gian và điều kiện nhàn rỗi hơn. Những trước tác về thơ văn của Lê Tuấn không nhiều, hơn nữa việc tìm lại những sáng tác thơ văn trong quá trình làm quan của ông vô cùng khó khăn. Sách Đại Nam nhất thống chí và Địa chí Khánh Hòa đều có nhắc đến sáng tác của Thượng thư Lê Tuấn nhưng không thấy chép nêu tên cụ thể là bài tên là gì? Nội dung ra sao? Chỉ biết rằng: “Những danh nhân quá bộ đến đây, có nhiều người dựng bia, đề thơ đề kỷ niệm danh thẳng như: Nguyên Hiệp biện lãnh Thượng thơ Phan Thanh Giản, Khánh Hòa Bố chánh Nguyễn Quỳnh, Thuận - Khánh Tuần phủ Nguyễn Thạnh, Bình Thuận Bố chánh Trần Điền, sung Điền Nông sứ Phan Trung, đều có lập bi ký; Hình bộ Thượng thư sung chính sử Lê Tuấn, Lễ bộ Tham tri Nguyễn Văn Tường, Khánh Hòa Đốc học Đinh Nho Quang đều có thơ đề vịnh”[1] (Xem ảnh phụ lục chụp kèm ở dưới).
Những ghi chép về ông khi làm Phó Tổng tài tham gia biên soạn sách Đại Nam thực lục trong cơ quan Quốc Sử quán triều Nguyễn[2] do ông làm Phó Tổng tài cụ thể như thế nào thì khó lòng xác định cho được rõ ràng. Chính sử triều Nguyễn vẫn chép phần ông biên soạn có các vị Tổng tài (3 vị), Phó Tổng tài (6 vị). Sử chép: “Vâng sắc Chỉ của vua cho chép rõ các quan chức tên họ những viên (sung vào làm bộ Thực lục Đệ tam kỷ) này: (từ năm Tự Đức thứ 29 [1876] trở về trước đã từng tiết thứ sửa làm).
Tổng tài: Cố mệnh lương thần, Thái bảo, Cần chính điện Đại học sĩ, quản lý Binh bộ sự vụ, sung Cơ mật viện đại thần, sung Kinh diên giảng quan, kiêm lĩnh Khâm thiên giám, Tuy Thịnh quận công, thần: Trương Đăng Quế.
Văn minh điện Đại học sĩ, lĩnh Binh bộ Thượng thư, sung Cơ mật viện đại thần, kiêm quản Khâm thiên giám sự vụ, sung Kinh kỳ hải phòng sứ, thần: Trần Tiễn Thành.
Hiệp biện Đại học sĩ, lĩnh Hộ bộ Thượng thư, kiêm lĩnh Quốc tử giám, sung Cơ mật viện đại thần, thần: Phan Thanh Giản.
Phó tổng tài:
Hiệp biện Đại học sĩ, lĩnh Lễ bộ Thượng thư, thần: Lâm Duy Thiếp.
Thự Hiệp biện Đại học sĩ, lĩnh Lễ bộ Thượng thư, thần: Lê Bá Thận.
Hình bộ Thượng thư, sung Kinh diên nhật giảng quan, kiêm biện Khâm thiên giám sự vụ, thần: Trương Quốc Dụng.
Thự Hình bộ Thượng thư kiêm quản Quốc tử giám, thần: Phan Huy Vịnh.
Tham tri quyền lĩnh Lại bộ Thượng thư, thần: Nguyễn Tư Giản.
Hình bộ Tả tham tri quyền sung Thương bạc, thần: Lê Tuấn”[3].
3. Kết luận
Có thể khái quát một vài nét về Hoàng giáp Thượng thư Lê Tuấn như sau: ông là một trong những đại thần triều Nguyễn dưới thời vua Tự Đức, quê xã Hà Trung, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Thuở nhỏ học tại quê nhà, năm Canh Tuất đỗ cử nhân tại trường thi Nghệ An, năm Qúy Sửu đỗ Tiến sĩ lúc 35 tuổi. Ông làm quan trải các chức trong triều ngoài quận, hai lần làm chánh sứ sang nước Thanh và nước Pháp. Từng làm Tham tri bộ Hình sau thăng đến Thượng thư… Khi mất được tặng làm Hiệp biện Đại học sĩ. Khi đi sứ sang Pháp vua Tự Đức có tặng thơ, nhưng chuyến đi này không thành vì phái đoàn vừa vào tới Gia Định thì ông lâm bệnh rồi mất đột ngột ở Sài Gòn. Sau đó, thi hài ông đưa về Huế rồi an táng tại quê nhà Hà Tĩnh. Cuộc đời và sự nghiệp của ông có nhiều đóng góp đối với triều Nguyễn trên nhiều lĩnh vực. Đối với lĩnh vực quân sự: nhiều năm ông cầm quân ngoài các tỉnh Bắc Kỳ đánh dẹp nạn phỉ hoành hành ở Bắc Kỳ; ông còn có những đóng góp về kinh tế, đê điều, thủy lợi… Ngoài những lĩnh vực trên ông còn có những đóng góp về thơ, văn: ông là tác giả các sách Yên thiều bút lục, Như Thanh nhật kí. Đặc biệt, ông là Phó Tổng tài Quốc Sử quán triều Nguyễn tham gia biên soạn bộ sách Đại Nam thực lục[4]. Với tài đức vẹn toàn, Lê Tuấn được nhà vua quý trọng, người đương thời mến mộ. Cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng giáp Thượng thư Lê Tuấn tiêu biểu cho truyền thống cần cù, hiếu học, ý chí vươn lên mạnh mẽ của người dân Kỳ Anh nói riêng và người Hà Tĩnh nói chung.
[1] Đại Nam nhất thống chí, Quyển 10-11, Nha Văn hóa, Bộ Văn hóa - Giáo dục, Sài Gòn, 1964, tr.93. Xem thêm: Địa chí Khánh Hòa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.444.
[2] Đại Nam thực lục là bộ chính sử lớn nhất, quan trọng nhất của nhà Nguyễn, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn trong 88 năm mới hoàn thành, tính từ khi bắt đầu làm (1821 - Minh Mệnh năm thứ hai) đến khi hoàn thành và khắc in xong những quyển cuối cùng (1909 - Duy Tân năm thứ ba). Phần ông tham gia biên soạn năm ở tập 6 (bản dịch của Viện Sử học Việt Nam, xuất bản năm 2007):
- Tập sáu: Kỷ thứ ba (từ 1841 đến 1847) - Cao Huy Giu, Trịnh Đình Rư, Trần Huy Hân, Nguyễn Trọng Hân dịch. Hoa Bằng hiệu đính.
[3] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 6, bản dịch Viện Sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.16.
[4] Bộ sách hiện nay đã được Viện Sử học dịch, xuất bản nhiều lần, phần ông biên soạn nằm trong tập 6.