Đối với sinh viên kiến thức không chỉ học qua sách vở, qua các bài giảng của thầy cô mà còn là sự quan sát, tìm hiểu thực tế. Đi tham quan, du lịch cũng là một cách tiếp xúc thực tế, góp phần hiểu sâu hơn kiến thức đã học cũng như giải tỏa căng thẳng và đem lại niềm vui cho chúng em.
Ngày 06/5/2014 tại Trường Đại học Hà Tĩnh, các cô giáo Khoa Sư phạm Xã hội - Nhân văn đã tổ chức cho Lưu học sinh Lào học tiếng Việt K6 đi tham quan một số di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh ở Hà Tĩnh và Nghệ An.
Sáng hôm ấy, chúng em dậy rất sơm, đúng 5 giờ 30 phút đã có mặt tại cổng trường. Các cô giáo và chúng em đã cùng sắp xếp hành lý bao gồm thức ăn, nước uống và các vật dụng cần thiết để phục vụ cho chuyến hành trình. Đoàn chúng em bắt đầu khởi hành lúc 6 giờ 15 phút. Điều đầu tiên mà em cảm nhận được ở chuyến đi này là sự quan tâm chu đáo của các cô giáo Khoa Sư phạm Xã hội - Nhân văn. Các cô đã chuẩn bị cho chúng em từ những thứ nhỏ nhất từ những viên thuốc, những túi mía vì sợ chúng em sẽ mệt dọc đường. Và suốt hành trình, các cô cùng các bạn sinh viên luôn tạo ra một không khí vui vẻ, thoải mái. Với chúng em, mọi mệt mỏi cũng dường như tan biến dành chỗ cho những nụ cười sảng khoái, vui vẻ.
Hôm ấy là một ngày đẹp trời, thời tiết mát mẻ, trong lành. Chúng em vừa được quan sát phong cảnh dọc đường đi vừa được tận hưởng những làn gió mát từ những hàng cây hai bên đường. Nơi đầu tiên chúng em đến là Quảng trường Hồ Chí Minh. Đặt tại trung tâm thành phố Vinh, Quảng trường Hồ Chí Minh là nơi hội tụ sắc trời thành Vinh và hương biển Cửa Lò, với gió từ núi Hồng, núi Quyết và sông Lam, Bến Thủy. Ở đây, các cô giáo và các bạn lớp trưởng đại diện cho toàn thể học sinh Lào dâng hoa lên Bác và cùng nhau chụp ảnh lưu niệm.
Rời Quảng trường Hồ Chí Minh lúc 8 giờ 15 phút, đoàn xe lại tiếp tục chuyến hành trình đi về làng Hoàng Trù - Quê ngoại của Bác. Hình ảnh đầu tiên mà em bắt gặp khi đến nơi đây chính là những lũy tre xanh tỏa bóng mát cho cả khu vườn. Trước khi vào tham quan từng ngôi nhà, cô hướng dẫn viên đã kể lại cho chúng em nghe về lịch sử của ngôi nhà và thời thơ ấu mà Bác đã sống nơi đây. Giọng nói của cô như đưa chúng em về với tuổi thơ của Bác. Trong mảnh vườn rộng gồm có ba ngôi nhà: ngôi nhà tranh năm gian của ông bà ngoại Bác Hồ, ba gian nhà phía ngoài là nơi dạy học và tiếp khách, còn hai gian nữa dành để làm chỗ nghỉ. Bàn ghế, giường và các vật dụng trong nhà chủ yếu được làm bằng tre mộc mạc. Phía sau ngôi nhà này là ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân - dòng họ có truyền thống hiếu học . Phía tay trái là ngôi nhà tranh ba gian của bố mẹ Bác Hồ. Gian ngoài có một bộ phản, gian hai là nơi ở và sinh hoạt, gian sau là gian bếp. Ở đây, chúng em được nhìn thấy khung cửi dệt vải của mẹ Bác Hồ, chiếc rương gỗ mà ngày bé Bác đã lần theo để tập đi, chiếc giường nhỏ, chiếc chiếu mộc... Xung quanh nhà có nhiều cây cối xanh tươi: hàng cau, cây mít, cây bưởi,... là một không gian tràn ngập màu xanh, giản dị và bình yên.
Rời khỏi làng Hoàng Trù khoảng 2km là đến làng Kim Liên - Quê nội Bác Hồ. Hai bên đường là những hồ sen thơm ngát. Chúng em đã được nhìn thấy chiếc xe đưa đón Bác Hồ về thăm quê ngày 16/6/1957. Bên cạnh đó đó là một ngôi nhà tranh lưu giữ những kỉ vật của bác như bộ quần áo, dôi dép cao su. Phía sau vườn là nhà của Bác. Ở đây, chúng em cũng vào dâng hoa lên bàn thờ nhà Bác và nghe các cô hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử ngôi nhà. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ nhưng sạch đẹp và mát mẻ.
Sau khi đi tham quan ngôi nhà của Bác, cả đoàn chúng em đã nghỉ và cùng nhau ăn trưa.
Địa điểm dừng chân tiếp theo của chúng em chính là biển Cửa Lò. Biển Cửa Lò là bãi biển nổi tiếng của Nghệ An. Bãi biển dài rộng, nước trong xanh lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Ở đây chúng em đã được đùa vui với sóng biển, dưới làn nước mát rượi và chụp ảnh. Ở Lào không có biển nên lần đầu tiên được đến Cửa Lò chúng em ai cũng háo hức chụp ảnh và ngắm biển cho thỏa thích. Em và các bạn đã ngồi xe điện đi dạo, thấy thành phố Vinh rất đẹp và phát triển, món ăn tươi và ngon.
Sau những giờ phú vui vẻ ở biển, chúng em như được tiếp thêm sức khỏe và tiếp tục chuyến hành trình của mình đến Khu lưu niệm Nguyễn Du - Đại thi hào của dân tộc Việt Nam. Trên xe, các bạn cùng nhau hát các bài hát mà cô giáo đã dạy như: Bài ca sinh viên, Bài ca Trường Đại học Hà Tĩnh với một không khí sôi nổi, vui tươi.
Khu lưu niệm Nguyễn Du nằm ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Tỉnh Hà Tĩnh. Đây chính là quê hương của ông. Ở phía trước sân là tượng đài của nhà thơ Nguyễn Du. Sau tượng đài là nhà hai tầng. Tầng 1 là thư viện Nguyễn Du với rất nhiều tác phẩm thơ văn của ông được viết bằng chữ Nôm và nơi trưng bày các bức ảnh lịch sử. Tầng 2 là nơi trưng bày cuốn “Truyện Kiều” rất lớn. Xung quanh Khu lưu niệm Nguyễn Du có cửa hàng bán sách ở cổng ra vào, bia đá, nhà tư văn, đền thờ Nguyễn Nghiễm, đền thờ Nguyễn Trọng, nhà thờ Nguyễn Du và nhiều cây cổ thụ che bóng mát.
Rời khu lưu niệm Nguyễn Du, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến hành trình của chúng em là Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại. Ngã ba Đồng Lộc là khu di tích lịch sử nổi tiếng cả nước. Nơi đây đã chứng kiến biết bao người đã ngã xuống vì Tổ quốc Việt Nam, tiêu biểu nhất là tấm gương hy sinh anh dũng của mười cô gái Thanh niên xung phong Tiểu đội 4. Các cô hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, là tấm gương sáng trên trang sử hào hùng của đất nước Việt Nam. Ở Ngã ba Đồng Lộc, chúng em cùng các cô giáo đã làm lễ dâng hương lên mười cô gái, được xem lại chiến trường Đồng Lộc trên sa hình điện tử, được nghe kể về chiến tích của mười nữ anh hùng. Dù không hiểu nhiều về lịch sử Việt Nam nhưng chúng em đều rất cảm động và cảm phục về tấm gương hy sinh của mười cô gái. Sau đó, em lên tháp chuông bảy tầng ở trên đồi và chụp ảnh với các bạn. Sau khi tham quan, chúng em lên xe và trở về trường. Suốt cả chặng đường dài, cả xe luôn vang lên những lời ca vui vẻ, hào hứng của chúng em.
Đây là một chuyến đi bổ ích. Chúng em đã có những trải nghiệm thú vị về đất nước, con người Việt Nam. Chúng em mong muốn rằng , sẽ có nhiều hoạt động vui vẻ, bổ ích dành cho sinh viên Lào tại Trường Đại học Hà Tĩnh trong tình đoàn kết, hữu nghị của hai nước Việt - Lào.