foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



Tóm tắt

 Bài viết này có hướng tiếp cận mới về hai thi phẩm nổi tiếng “Tôi yêu em” của Pus-kin  - “Mặt trời của thi ca Nga”  và “Tương tư” của Nguyễn Bính – nhà thơ tiểu biểu của nền văn học hiện đại Việt Nam đã được chọn giảng trong chương trình Ngữ văn 11 hiện hành từ góc nhìn so sánh. Bởi lẽ hai thi phẩm này bên cạnh sự khác biệt lại có một số điểm tương đồng, gợi mở nhiều điều thú vị về sự gặp gỡ của những tâm hồn thi ca khi viết về đề tài tình yêu đơn phương, đồng thời cũng cho thấy sự sáng tạo độc đáo trong mỗi thi phẩm của mỗi thi nhân.

2.3. Những điểm khác biệt giữa hai thi phẩm

2.3.1. Khác nhau về tình huống bộc lộ trạng thái cảm xúc tình yêu đơn phương của nhân vật trữ tình

Nói đến tình yêu đơn phương thường là tình yêu xuất phát từ một phía. Có thể  là nỗi nhớ đơn phương khi bạn đã yêu một ai đó, nhưng lại không dám nói ra, cứ đứng từ phía xa âm thầm yêu, âm thầm nhớ thương…Đó là trường hợp của chàng trai trong bài thơ “Tương tư”. Còn chàng trai trong “Tôi yêu em” dù đã tỏ tình và bị người ta từ chối nhưng trái tim vẫn yêu  mãnh liệt. Do cảnh ngộ của mỗi chàng trai trong mỗi bài thơ khác nhau nên trạng thái tâm lí, cảm xúc cũng khác nhau.

- Bài thơ “Tôi yêu em” đã ra đời từ chính trải nghiệm tình yêu của chính tác giả Pus-kin. Ông đã cầu hôn người con gái mình yêu nhưng lại bị khước từ. Bài thơ vừa có độ chân thật của tình cảm, sự sâu lắng của xúc cảm, suy tư vừa thể hiện được những cung bậc, trạng thái đa dạng, tinh tế của thế giới tâm hồn con người khi yêu. Nhân vật “tôi” trong bài thơ yêu chân thành, mãnh liệt nhưng không được người mình yêu đáp lại. Trong suốt bài thơ, tác giả tập trung khắc họa tâm trạng của chàng trai qua  nghịch lí giữa tình cảm (vẫn yêu) và lí trí (muốn dừng tình yêu của mình) và cách ứng xử trước những nghịch lí đó. Bốn dòng thơ đầu cho thấy bề ngoài lí trí rất mạnh mẽ, dứt khoát tưởng có thể ngăn bước tình yêu của chàng trai nhưng nó lại vấp phải sự bất chấp mạnh mẽ của con tim. Bốn dòng thơ sau lại cho thấy cảm xúc không chịu  tuân theo mệnh lệnh của lí trí, mà ngược lại giống như cái lò xo bị nén giờ lại bật tung lên càng mãnh liệt hơn. Những lớp tình cảm phức tạp  trong góc khuất tâm hồn của nhân vật “tôi” dần dần được khai mở ở câu 5, câu 6. Lời thú nhận "Tôi yêu em âm thầm không hy vọng/Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen" đã bộc lộ bao khổ đau, day dứt của mối tình đơn phương. Dẫu biết đó là tình yêu không hy vọng, không đơm hoa kết trái, vậy mà tôi vẫn cứ âm thầm yêu em.  Thế nhưng điều đáng nói ở đây là bài thơ đã có câu kết vô cùng bất ngờ, độc đáo gợi nhiều ý vị sâu sắc. Đó là là lời cầu nguyện của chàng trai “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”. Tâm lí thông thường càng yêu sâu đậm thì khi không đạt được điều mình mong muốn, người ta hay có những phản ứng tiêu cực, ích kỉ, nhỏ nhen “Yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng” (Ca dao), thậm chí còn thù hận nhau. Song nhân vật trữ tình đã vượt qua thói ích kỉ tầm thường ấy bằng cách ứng xử đầy nhân văn của một trái tim giàu độ lượng, giàu vị tha mấy ai có được: cầu cho người con gái mình yêu hạnh phúc với người khác nào đó. Cách ứng xử đó vụt sáng những giá trị nhân văn cao đẹp hướng con người đến những suy nghĩ tích cực và hướng thiện khi gặp trắc trở trong tình yêu.  

- Tác phẩm “Tương tư” lại chủ yếu  thể hiện một cách tinh tế và sâu sắc những cảm xúc nhớ nhung, mong ngóng, đợi chờ trong tình yêu đôi lứa của nhân vật trữ tình. Cảm xúc được chàng trai bày tỏ là nỗi tương tư, nỗi nhớ nhung, nỗi khao khát yêu đương với các sắc thái đa dạng và phức tạp của nó. Nỗi tương tư giăng mắc trong không gian, trải ra trong thời gian và giày vò tâm hồn. Nếu nỗi nhớ được giải tỏa (hai người gặp nhau để tình cảm được bộc lộ) thì biết đâu hạnh phúc sẽ đến. Song vì không giải tỏa được nên nó tạo nên một sự giày vò làm nảy sinh bao nhiêu trạng thái cảm xúc phức tạp khác: giận hờn, trách móc, lo âu, mong mỏi...  Bài thơ khắc khoải tình yêu đơn phương song lại kết thúc bằng một hình ảnh bất ngờ giàu sức gợi “cau - trầu" và nỗi nhớ thướng khôn nguôi. Nhà em có một giàn giầu,/ Nhà anh có một hàng cau liên phòng, Thôn Ðoài thì nhớ thôn Ðông/ Cau thôn Ðoài nhớ trầu không thôn nào?”. Chàng trai cứ nói vòng vo, xa gần, cuối cùng vẫn cứ tụ lại ở điều cần nói nhất: ấy là trầu – cau! Trầu cau trong văn hóa Việt Nam thường là biểu tượng cho tình yêu và hôn nhân. Đó thực chất là ước nguyện, là khao khát của chàng trai. Khao khát em đến thì bệnh tương tư của chàng trai sẽ được cứu chữa, trầu cau sẽ thắm lại và anh – em sẽ kết thành đôi. Cho nên dù biết là mộng tưởng xa xôi nhưng cũng rất đáng cảm thông và trân trọng. Nguyễn Bính đã khéo léo bộc lộ gương mặt tình yêu của chàng trai nơi thôn dã: vừa e dè, kín đáo lại vừa sâu sắc, mãnh liệt, chân thành. Qua nỗi tương tư, chàng trai hiện lên là người rất rụt rè, nhút nhát trong hành vi song lại mạnh mẽ vô cùng trong cảm xúc.

Như vậy, trong bài thơ “Tôi yêu em”, tác giả tập trung khắc họa tâm trạng của nhân vật trữ tình qua  nghịch lí giữa tình cảm và lí trí và cách hòa giải những nghịch lí đó, đồng thời bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật “tôi”. Còn ở tác phẩm “Tương tư”, Nguyễn Bính lại chủ yếu diễn tả những cung bậc tương tư của tình yêu đơn phương để qua đó bộc lộ gương mặt tình yêu của nhân vật trữ tình.

2.3.2. Khác nhau về hình thức nghệ thuật

 Sự khác nhau về hình thức nghệ thuật được biểu hiện ở nhiều phương diện, ở bài viết này, chúng tôi chỉ chú trọng ở phương diện ngôn ngữ. Ngôn ngữ văn học, đặc biệt là ngôn ngữ thơ có tính chính xác, hàm súc, đa nghĩa, hình tượng và biểu cảm. Ngôn ngữ văn học tạo được tác dụng và hiệu quả thẩm mĩ cho văn bản văn chương. Tuy vậy, ngôn ngữ văn học chỉ có thể đẹp và phát huy những phẩm chất của chúng khi nhà văn thực sự tài năng, có năng lực làm chủ vốn ngôn ngữ và có cá tính sáng tạo độc đáo.

- Bài thơ “Tôi yêu em”rất  tiêu biểu cho phong cách thơ Pu-skin. Ông đã thay thế ngôn từ kiểu cách, bóng bẩy, sáo rỗng của salon quý tộc nhiều thế kỷ bằng những ngôn từ bình dị, chân chất, trong sáng, chính xác, hàm súc. Ngôn ngữ trong tác phẩm của ông có sức truyền cảm mạnh, mang tính nhân dân sâu sắc. Đại thi hào Puskin từng quan niệm “Bút pháp càng giản dị càng tốt. Điều chủ yếu là sự chân thành. Đối tượng bản thân tự nó đã hấp dẫn đến mức chẳng cần có sự tô điểm nào, thậm chí sự tô điểm càng làm hại đến đối tượng”. Quan niệm đó cùng với tài năng của thiên tài thi ca Pu-skin, bài thơ “Tôi yêu em” tuy hình thức giản dị, không sử dụng những mỹ từ, ví von bóng bẩy, không sử dụng nhiều  biện pháp tu từ  (chỉ lặp lại nhiều lần điệp khúc “tôi yêu em”: bản dịch nghĩa 3 lần, bản dịch thơ 5 lần) nhưng tài năng xuất sắc của nhà thơ là đã diễn tả hết sức tinh tế và chân thực những cung bậc tình cảm phong phú và phức tạp, những sắc thái cảm xúc, những rung động sâu xa, những ấn tượng khó nắm bắt của tình yêu con người trần thế.

- Bài thơ “Tương tư”  rất tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Bính. Ngôn ngữ rất gần gũi với ngôn ngữ thơ ca dân gian: bình dị, chân thành, giàu hình ảnh,  màu sắc, nhạc điệu. Nguyễn Bính không gây ấn tượng đối với người đọc bằng những hình ảnh mới lạ như những nhà Thơ Mới khác mà ông  trở về với những hình ảnh bình dị nơi thôn dã gần gũi quen thuộc gần gũi của làng quê Việt Nam để biểu hiện thế giới tình cảm trừu tượng, phong phú của con người. Ngoài ra, Nguyễn Bính còn làm tăng sắc thái biểu hiện của ngôn ngữ thơ bằng việc sử dụng sáng tạo thành ngữ (“chín nhớ mười mong” được hoán cải từ thành ngữ ” chín nhớ mười thương”);  sáng tạo các hình ảnh ẩn dụ quen thuộc trong ca dao: “bến- đò” (Bao giờ bến mới gặp đò), “hoa- bướm” (hoa khuê các,  bướm giang hồ), “trầu- cau” (giàn giầu/ hàng cau liên phòng)... Nhà thơ còn vận dụng ngôn ngữ phiếm chỉ  hết sức đặc sắc của thơ ca dân gian vào “Tương tư” một cách rất tự nhiên. Những cụm từ phíếm chỉ tôi - nàng,  thôn Đoài – thôn Đông,  bên ấy – bên này,  bến – đò,  hoa – bướm cùng đại từ phiếm chỉ “ai” rất tinh tế,  khó xác định chính xác đối tượng nhưng lại có tác dụng làm tăng khả năng khái quát tâm trạng điển hình của nhiều người, đồng thời  tăng khả năng đồng cảm giữa những tâm hồn đồng điệu. Song điều đáng chú ý là Nguyễn Bính sử dụng hình ảnh chất liệu của ca dao nhưng ông đã thổi vào đó cái hồn của Thơ Mới tạo nên sự giao thoa độc đáo của nét hồn ca dao với thơ hiện đại. Với tài năng sử dụng ngôn ngữ của mình, Nguyễn Bính đã diễn tả tinh tế tình yêu vốn là tình cảm sâu thẳm với biết bao những cung bậc cảm xúc khác nhau. Tình cảm đặc biệt quan trọng ấy đi vào mảnh hồn thơ ông trở nên dung dị, dân giã mà cũng rất lãng mạn và thơ mộng, mang đậm hồn quê, một hồn quê quen mà lạ. Trong khi phần lớn các thi sĩ cùng thời chịu ảnh hưởng của thơ phương Tây thì Nguyễn Bính lại tìm về với hồn thơ dân tộc và hấp dẫn người đọc bằng chính hồn thơ này.

Theo M. Gorki: “Nhà văn không chỉ viết bằng ngòi bút mà còn vẽ bằng từ ngữ thể hiện một cách hoàn hảo những tư tưởng của tác giả, xây dựng một bức tranh đậm đà, đắp nên những hình tượng sinh động, có sức thuyết phục đến nỗi người đọc trông thấy được những điều mà tác giả mô tả”, thì qủa là nhà thơ Pu-skin và Nguyễn Bính đã chứng minh được điều đó.

3. KẾT LUẬN

So sánh hai tác phẩm của hai đất nước khác nhau song lại có  một số  điểm tương đồng về thể loại, đề tài, cảm hứng,... thực sự đã mang đến nhiều điều thú vị trong khám phá văn học. Điểm tương đồng giữa “Tôi yêu em” của Pu-skin và “Tương tư” của Nguyễn Bính đã cho thấy sự gặp gỡ của những tâm hồn thi ca khi viết về đề tài tình yêu. Điều này không khó lí giải bởi lẽ cả hai tác phẩm đều phản ánh chân thực, sâu sắc những trạng thái, quy luật tâm lí, tình cảm phổ biến của tình yêu đơn phương. Hơn nữa, từ những nỗi niềm chủ quan thầm kín của bản thân, khi sáng tác các thi nhân tài năng lại luôn luôn nâng lên thành người mang tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ của rất nhiều người. Tuy nhiên, theo qui luật của sáng tạo nghệ thuật “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung” (nhà văn Nga Lêônin Lêônôp), cộng thêm sự khác nhau về hoàn cảnh sống, về môi trường văn hóa, về phong cách nghệ thuật, tài năng văn chương…đã tạo nên vẻ đẹp độc đáo trong mỗi thi phẩm của mỗi thi nhân. Chính điều đó đã góp phần làm phong phú thêm mảng đề tài tình yêu trong thơ ca dẫn người đọc bước vào thế giới muôn sắc màu của tình yêu đôi lứa. Cũng từ đó, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội đưa văn học các dân tộc gần nhau hơn, để cùng soi sáng cho nhau và cùng tỏa sáng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ giáo dục và Đào tạo, 2018, “Ngữ văn 11, Tập 2, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

Bộ giáo dục và Đào tạo, 2018, “Ngữ văn 11, Sách giáo viên”, Tập 2, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

Nguyễn Văn Dân, 1998, “Lý luận văn học so sánh”, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

Hồ Thúy Ngọc, 2020, Văn hóa ứng xử trong tình yêu qua tuyệt phẩm Tôi yêu em” của               

Pu-skin”, Tạp chí Khoa học, số (20), Trường Đại học Hà Tĩnh, tr.51-57.

Đỗ Hải Phong, 2015, “Giáo trình văn học Nga”, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

Pu-skin, 1986, “Thơ trữ tình”, bản dịch của Thúy Toàn, Nxb Văn học, Hà Nội.

Chu Văn Sơn, 2003, Kỳ 7: “Thẩm bình thơ Nguyễn Bính”, trích từ “Ba đỉnh cao Thơ Mới”, Nxb  Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

Trần Nho Thìn, 2019, “Phân tích tác phẩm Ngữ Văn 11”, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.         

 

 

 

 

 

 

 

 

 



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.