foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



I. Thực trạng sinh hoạt Tổ chuyên môn trong trường phổ thông hiện nay

Tổ chuyên môn là một bộ phận cấu thành bộ máy của nhà trường. Các tổ chuyên môn có mối quan hệ hợp tác với nhau, phối hợp các bộ phận và đoàn thể trong việc thực hiện nhiệm vụ của tổ và các nhiệm vụ khác trong chiến lược phát triển nhà trường để đưa nhà trường đạt được mục tiêu đề ra.

Sinh hoạt chuyên môn là một hoạt động nhằm bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, năng lực sư phạm cho giáo viên, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giảng dạy, tạo điều kiện cho giáo viên trong tổ học tập lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm về những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả nhằm góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” đồng thời qua đó tạo được sự thống nhất trong thực hiện quy chế chuyên môn.

Thực tế trong nhà trường hiện nay cho thấy có tổ chuyên môn hoạt động rất mạnh nhưng vẫn còn tổ chuyên môn hoạt động một cách thụ động, ỷ lại với những tồn tại như: ít bàn về chuyên môn, sử dụng phương pháp nào phù hợp với bài dạy ... mà chỉ tập trung vào việc sinh hoạt cho đủ số lần trên tháng theo quy định.

Tổ trưởng chưa phát huy hết vai trò của mình, thường có tâm lí coi mình cũng như giáo viên bình thường khác, chỉ lo hồ sơ đầy đủ, sạch đẹp; chưa phân công nhiệm vụ cho giáo viên theo đúng yêu cầu, nhiệm vụ; chưa chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch, chưa mạnh dạn trong việc đề xuất các ý kiến để nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn.

Nội dung sinh hoạt tổ chuyên môn chưa phong phú, hình thức còn đơn điệu, gò bó, chưa đi sâu vào các vấn đề trọng tâm đổi mới phương pháp dạy học và tháo gỡ những khó khăn cho giáo viên trong tổ. Trong các buổi sinh hoạt, không khí thường trầm lắng, giáo viên ít phát biểu ý kiến; những vấn đề mới và khó ít được mang ra bàn bạc, thảo luận.

Vậy làm thế nào để buổi sinh hoạt chuyên môn thực sự có chất lượng, thu hút được giáo viên tham gia hưởng ứng tích cực, thảo luận sôi nổi vào những vấn đề trọng tâm, góp phần nâng cao chất lượng dạy học, tôi thiết nghĩ chúng ta cần Đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học.

II. “Đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học”.

1. Sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học là gì?

Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học là hoạt động GV cùng nhau học tập từ thực tế việc học của HS. Ở đó GV cùng nhau thiết kế kế hoạch học, cùng dự giờ, quan sát, suy ngẫm và chia sẻ (tập trung chủ yếu vào việc học của HS). Đồng thời đưa ra những nhận xét về sự tác động của lời giảng, các câu hỏi, các nhiệm vụ học tập mà GV đưa ra,…có ảnh hưởng đến việc học của HS. Trên cơ sở đó, GV được chia sẻ, học tập lẫn nhau, rút kinh nghiệm và điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học vào bài học hằng ngày một các có hiệu quả.

2. Các bước tiến hành sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học

* Bước 1: Xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch bài học nghiên cứu

a) Xác định mục tiêu:

Cần xác định mục tiêu kiến thức và kỹ năng mà học sinh cần đạt được (theo chuẩn kiến thức, kỹ năng ở từng môn học, đặc biệt cần chú ý xây dựng mục tiêu về thái độ của học sinh), đảm bảo phù hợp với trình độ và lứa tuổi của HS khi chọn bài học nghiên cứu.

b) Xây dựng kế hoạch bài học nghiên cứu (Thiết kế bài dạy minh họa):

- Bài dạy minh họa không phải do một giáo viên thiết kế mà do giáo viên trong tổ cùng thiết kế, thảo luận, thống nhất lựa chọn phương án tối ưu nhất.

- Việc thiết kế bài dạy  không nhất thiết phụ thuộc máy móc vào quy trình bước dạy theo sách giáo khoa hoặc sách giáo viên mà dựa vào mục tiêu bài học đã đề ra để thiết kế cho phù hợp.

- GV trong tổ thảo luận nội dung bài học, các phương pháp, phương tiện dạy học đạt hiệu quả cao, cách tổ chức dạy học, cách rèn kỹ năng, hướng dẫn học sinh cách vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống thực tiễn...

- Dự kiến những thuận lợi, khó khăn của HS khi học tập và các tình huống xảy ra cùng với cách xử lý tình huống (nếu có) …

Sau khi kết thúc cuộc thảo luận, GV thực hiện dạy minh họa sẽ nghiên cứu, phát triển … các ý kiến góp ý của tổ CM (nhóm). GV thực hiện hoàn thiện giáo án  dạy minh họa và chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho tiết dạy.

* Bước 2. Tiến hành dạy bài học( bài giảng minh họa) và dự giờ

- Sau khi hoàn thành xây dựng kế hoạch dạy học chi tiết, GV sẽ dạy minh hoạ bài học nghiên cứu ở một lớp đã chuẩn bị trước.

- Các yêu cầu cụ thể của giờ dạy minh họa như sau:

+ Chuẩn bị lớp dạy minh hoạ, bố trí lớp có đủ chỗ ngồi quan sát thuận lợi cho người dự.

 + Điều chỉnh số lượng người dự ở mức vừa phải, không quá đông.

+ Việc dự giờ cần đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học của học sinh, không gây khó khăn cho người dạy minh hoạ.

- GV dạy và dự cần quan sát việc học của tất cả học sinh, cách làm việc nhóm, thái độ tình cảm của học sinh... Khi dự giờ GV tập trung vào việc học của học sinh, theo dõi nét mặt, hành vi, sự quan tâm đến bài học của học sinh đặc biệt cần ghi chép cụ thể thái độ của học sinh khi tham gia trả lời các câu hỏi của GV, thông qua đó tìm mối liên hệ giữa việc học của HS với tác động của giáo viên về cách sử dụng các phương pháp dạy học, cách tổ chức lớp học.

- Điều chỉnh thói quen đánh giá giờ dạy qua hoạt động của giáo viên, người dự cần

hiểu và thông cảm với khó khăn của người dạy, đặt mình vào vị trí của người dạy để phát hiện những khó khăn trong việc học tập của học sinh nhằm tìm cách giải quyết.

* Bước 3. Suy ngẫm, thảo luận về bài học nghiên cứu

- Giáo viên dạy minh họa chia sẻ về bài học: những ý tưởng mới; những thay đổi, điều chỉnh về nội dung; phương pháp dạy học; những điều hài lòng và chưa hài lòng trong quá trình dạy minh họa.

- Người dự suy ngẫm và chia sẻ các ý kiến của GV về bài học sau khi dự giờ:

- Người dự trao đổi, chia sẻ, lắng nghe mang tính xây dựng.

- Thảo luận xem HS học như thế nào? (mức độ tham gia, hứng thú và kết quả học tập của từng em).

- Cùng suy nghĩ: vì sao học sinh chưa tích cực tham gia vào hoạt động học, học chưa đạt kết quả... và đưa ra các biện pháp thay đổi cách dạy phù hợp.

- Mọi người phải lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau khi thảo luận, không nên quan tâm đến các tiêu chuẩn truyền thống của một giờ dạy.

- Không nên phê phán đồng nghiệp.

- Không đánh giá xếp loại giờ dạy minh hoạ.

- Lấy hành vi học tập của HS làm trung tâm thảo luận.

- Tổ trưởng không nên áp đặt, tạo cơ hội cho GV trong tổ phát biểu, có sự dẫn dắt để GV trong tổ cùng thảo luận.

* Bước 4: Áp dụng cho thực tiễn dạy học hàng ngày

Thông qua tiết dạy minh họa, thông qua thảo luận tiết dạy của đồng nghiệp, giáo viên tự rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân, kiểm nghiệm những vấn đề đã được dự giờ và thảo luận, áp dụng vào bài giảng hàng ngày trên lớp

Trong buổi sinh hoạt chuyên môn, GV trong tổ tập trung phân tích hoạt động học tập của học sinh, tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến việc phát triển năng lực của học sinh như: Học sinh học như thế nào ? Học sinh đang gặp khó khăn gì trong học tập ? Nội dung và phương pháp dạy có phù hợp, có gây hứng thú cho học sinh không ? Kết quả học tập của học sinh có được cải thiện không ? Giờ dạy đã phát triển năng lực chưa ? Cần điều chỉnh gì và điều chỉnh như thế nào ?... Mỗi thành viên đều đưa ra ý kiến của riêng mình, có rất nhiều ý kiến hay và xác thực cho từng hoạt động của bài học.

Trong quá trình thảo luận, không tập trung vào việc đánh giá giờ học, xếp loại GV mà nhằm khuyến khích GV tìm ra nguyên nhân tại sao HS chưa đạt kết quả như mong muốn và có biện pháp để nâng cao chất lượng dạy học, tạo cơ hội cho HS được tham gia vào quá trình học tập; giúp GV có khả năng chủ động điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy sao cho phù hợp với từng đối tượng HS.

3. Các lợi ích có được khi tham gia sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học

- Học cách quan sát tinh tế, nhạy cảm việc học của HS.

        - Hiểu sâu, rộng hơn về HS và đồng nghiệp. Hình thành sự chấp nhận lẫn nhau giữa GV với GV và giữa GV với HS.

        - Cùng nhau xây dựng và tạo nên văn hoá nhà trường.

          - Tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn và đổi mới phương pháp dạy học, kĩ thuật dự giờ theo hướng dạy học tích cực, lấy việc học của HS làm trung tâm của GV khi tham gia sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học

4. Một số khó khăn cần khắc phục

* Về cơ sở vật chất.

-  Lớp học hẹp khó bố trí chỗ ngồi cho GV đến dự. Vì vậy Ban giám hiệu cần tạo điều kiện cho tiết dạy được thực hiện ở phòng bộ môn sẽ có không gian rộng, GV dự có thể ngồi ở 2 bên để quan sát hoạt động của HS rõ hơn.

*Về GV thực hiện dạy minh họa.

- GV chuẩn bị bài dạy mất nhiều thời gian nên không sẵn sàng hợp tác. Trong tiết dạy GV không thể quan sát hết thái độ, hành động, sai sót từng HS nên GV ngại dạy vì sợ sau mỗi tiết dạy bị tham gia góp ý, đánh giá sẽ hạ thấp uy tin bản thân. Nhiều GV hoài nghi về tác dụng sinh hoạt chuyên môn mới này.

* Về nhóm chuyên môn.

- Mất nhiều thời gian cho mỗi lần sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học. Từ thời gian thảo luận xây dựng bài dạy đến khi rút kinh nghiệm đưa ra bài học (mỗi lần mất khoảng 3 đến 4 tiết)

- Nhiều GV có thái độ không hoà đồng, không bình đẳng, chưa sẵn sàng học hỏi và hợp tác mà lại là phê phán, đánh giá, làm mất đi tính nhân văn của sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học.

-  GV chưa thực sự hợp tác cùng nhau xây dựng kế hoạch bài học.

* Về học sinh.

- Số lượng HS trong lớp đông nên không thuận lợi cho việc học và dạy, theo dõi HS của GV dạy và dự.

- Chất lượng HS không đồng đều, ý thức học tập của học sinh chưa tốt…

III. Kết luận

Đổi mới trong sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học không chỉ bảo đảm cho tất cả học sinh có cơ hội tham gia thực sự vào quá trình học tập, giáo viên có thể quan tâm đến khả năng học tập của từng học sinh, đặc biệt những học sinh có khó khăn về học tập mà còn tạo cơ hội cho tất cả giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm và phát huy khả năng sáng tạo trong việc áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học thông qua việc dự giờ, trao đổi, thảo luận, chia sẻ sau khi dự giờ, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.

Tài liệu tham khảo

  1. Công văn số 5555/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn của trường trung học/trung tâm giáo dục thường xuyên qua mạng, Bộ GD-ĐT, 2014.
  2. Tài liệu hướng dẫn Sinh hoạt chuyên môn dựa trên Nghiên cứu bài học, Tổ chức Plan tại Việt Nam, 2011.
  3. Chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình Sinh hoạt chuyên môn dựa trên Nghiên cứu bài học, Tổ chức Plan tại Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, 2019.



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.