foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



Hà Tĩnh là một vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa. Do những đặc điểm riêng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và lịch sử, trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm để bảo vệ, giữ gìn Tổ quốc, quê hương và chống thiên tai khắc nghiệt để tồn tại, phát triển, người dân nơi đây cũng đã sáng tạo, xây đắp nên những nét riêng về cốt cách, truyền thống, góp phần làm phong phú thêm lịch sử của dân tộc ta. Trải qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước, nhân dân Hà Tĩnh đã có những đóng góp hết sức xứng đáng vào những thành tựu vẻ vang của cả dân tộc. Nói đến Hà Tĩnh cũng như nói đến xứ Nghệ người ta thường nghĩ ngay đến một vùng đất địa linh nhân kiệt hầu như ở thời nào cũng có những con người xuất chúng, đặc biệt trong số đó phải kể đến Thượng thư Lê Tuấn dưới thời Nguyễn và nhiều danh thần tên tuổi khác.

Đặt vấn đề

Hoàng giáp Thượng thư Lê Tuấn sinh năm Mậu Dần (1818), tại làng Mỹ Lụ, tổng Hà Trung, huyện Hà Hoa, nay là thôn Thanh Sơn, xã Kỳ Văn (huyện Kỳ Anh). Thuở nhỏ, ông nổi tiếng là người thông minh, hiếu học, đậu tú tài năm 1842, đậu cử nhân năm 1851. Tại kỳ thi Đình, năm Quý Sửu (1853), niên hiệu Tự Đức thứ 7, Lê Tuấn đỗ Nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp). Ông là vị quan đại thần có tiếng thanh liêm, tài đức vẹn toàn, được nhà vua quý trọng, người đương thời mến mộ. Cuộc đời và sự nghiệp khoa cử, hoan lộ của Hoàng giáp Thượng thư Lê Tuấn tiêu biểu cho truyền thống cần cù, hiếu học, ý chí vươn lên mạnh mẽ của người dân Kỳ Anh nói riêng và người Hà Tĩnh nói chung.

1. Đóng góp trên lĩnh vực quân sự

Hầu hết những ghi chép về ông trong các bộ chính sử triều Nguyễn ở cuối thập niên 60 đầu thập niên 70 của thế kỷ XIX là những ghi chép chi tiết chủ yếu về việc ông được cử làm Khâm sai đại thần, Kinh lược sử Bắc Kỳ về việc quân đi đánh dẹp nạn thổ phỉ, thủy phỉ, hải tặc, giặc cướp hoành hành ở hàng loạt các tỉnh Bắc Kỳ. Đây cũng là thời kỳ mà Bắc Kỳ chịu nhiều nạn thổ phỉ Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc, Cơ vàng của Hoàng Sùng Anh, Cờ Trắng… phần lớn các thổ phỉ tràn từ biên giới nước Thanh sang nước ta, khiến cho triều đình nhà Nguyễn gặp rất nhiều khó khăn. Phần trích dẫn dưới đây tóm lược một số sự kiện lớn, chính được chép trong sách “Đại Nam thực lục” do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn:

Tháng 4, năm Tân Mùi, Tự Đức năm thứ 24 (1871), khi đang giữ chức Thượng thư bộ Hình ông được vua Tự Đức cử ra Bắc Kỳ để lo việc quân. Sử chép: “Cho Thượng thư bộ Hình là Lê Tuấn sung chức Khâm sai đi coi quân. Khi ra đi, vua dụ rằng: Ngươi phải xét rõ thế giặc tình quân, cùng với Hoàng Tá Viêm hết lòng mưu tính, nghiêm đốc tướng biền đánh dẹp, người nào bất lực thì hặc tội tâu lên, để nghiêm quân luật”[1]. Đến tháng 8 (1871) ông được vua thăng thêm chức “Bắc Kỳ kinh lược đại thần[2].

Thượng thư Lê Tuấn và Thống đốc quân vụ Bắc Kỳ là Hoàng Tá Viêm được vua lo lắng quý mến gian khổ nơi chiến trường đã ban áo tặng cho để úy lạo tướng sĩ ngoài mặt trận. Sách Đại Nam thực lục viết “Ban áo của vua dùng cho Thống đốc là Hoàng Tá Viêm, Thị sư là Lê Tuấn, nhân làm thơ ban cho (trước đã từng ban áo cho tướng sĩ các đạo, nay đặc cách ban cho)”[3].

Tháng 9 (1871), trước nạn thổ phỉ[4] quân Cờ Vàng và Cờ Đen đang hoành hành Bắc Kỳ mà triều đình chưa đánh dẹp tan, chưa có biện pháp hữu hiệu đối phó. Trước yêu cầu của vua Tự Đức các ông Thống đốc và Kinh lược ở Bắc Kỳ phải thường xuyên gửi tấu sớ về để vua được biết kíp thời. Như trong bản sớ tấu của Thống đốc Hoàng Tá Viêm, Thị sư Lê Tuấn tâu rằng: “Dò thám được tên tù trưởng dân Mèo ở động suối Bốc là người chủ chứa chấp tên giặc Hoàng Anh (toán quân phỉ Cờ Vàng), giặc Hoàng Anh lại là người chứa chấp các giặc trốn ở tỉnh Bắc, tỉnh Thái và tình trạng Hoàng Anh, Lưu Vĩnh Phúc (phỉ Cờ Đen) thù hằn lẫn nhau. Vua truyền phải nói cho tướng họ Phùng biết để trù tính và đốc suất các tỉnh Sơn Tây, Bắc Ninh, Hải Dương phái quân đi đóng giữ ngăn chặn. Các thổ dõng, dân đinh bắn giỏi đã mộ được, cho theo như lệ quân ở trong Kinh phái đến các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên mà cấp lương, (mỗi người mỗi tháng 3 quan tiền, 1 phương gạo, người nào ở quân thứ cứ đủ 4 tháng, cấp cho áo quần 1 lần), lại cấp thêm cho 1 quan tiền”.

Trong lúc lo việc quân ở Bắc Kỳ Khâm sai Thị sư kiêm Kinh lược Lê Tuấn cùng với Thống đốc Hoàng Tá Viêm bàn dâng sớ tấu lên vua Tự Đức bàn những việc cần làm ngay tâu rằng: Các tỉnh ở nơi biên giới, hiện nay những công việc phải xếp đặt sau này, còn có nhiều khoản. Nay đương lúc thanh thế của quân lừng lẫy, thế giặc đến lúc cùng, vậy tỉnh nào việc quân tạm thư, như 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn thì hết thảy mọi việc ở nơi biên giới, tưởng nên phải sửa soạn ngay từ bây giờ, để được bền vững. Nếu đợi đến khi dẹp yên hết cả, sợ mối lo bên ngoài lại sinh ra, lại khó xếp đặt. Còn như các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, khi nào trừ hết bọn giặc, cũng xin lần lượt chấn chỉnh công việc...[5].

Trong các bản tấu sớ trước vua chưa ưng ý, vì nạn phỉ chưa đánh dẹp được gì. Các tấu sớ gửi về làm cho vua không được hài lòng hết. Lúc này vua mới bảo rằng ít lâu nay chỉ có tập tâu tính liệu trước này là thích hợp với công việc và có lòng lo việc nước, chuẩn cho thi hành ngay.

Trong quá trình làm toàn quyền kinh lược Bắc Kỳ cùng với Hoàng Tá Viêm, Khâm sai Thị tư kiêm sung Kinh lược đại thần, thự Thượng thư bộ Hình là Lê Tuấn cũng có những kiến nghĩ giúp cho việc quân mà lại tăng thêm nguồn thu của nhà nước và cũng là tránh tình trạng ruộng đất công bỏ hoang quá nhiều ở các tỉnh đất đai màu mở như Nam Định, Ninh Bình… Ông tâu rằng: “Hiện nay quân phí rất nhiều, mà các tỉnh ở Bắc Kỳ, sau khi bị lụt, thuế khoá đã giảm, khuyên người quyên tiền ra cũng khó. Duy có cách nhân lòng người ai cũng hám lợi mà khơi ra, thì mọi người tất vui theo, mà Nhà nước cũng lợi, hoặc có thể giúp vào quân nhu... Xét ra trong hạt Nam Định, số ruộng công bỏ hoang, các ruộng cói cỏ lẫn lộn và các hạng thổ bùn lầy, số ấy đến hơn 6 vạn mẫu. Trong số ấy có chỗ đã khai khẩn thành thục rồi, ẩn lậu chưa nộp thuế, quan cũng khó lòng trích ra được : có chỗ gần sông lớn, đất sa ngày ngày bồi thêm lên, dễ cho việc khai khẩn ; có chỗ ở vào ven biển, phải đắp đê ngăn nước mặn, lấy nước ngọt vào, tháo nước ứ ra, công việc có phần khó khăn. Thần đã hỏi hiện giá dân muốn mua, thì ruộng thục điền lậu thuế, hạng nhất mỗi mẫu phỏng được trên dưới 100 quan ; hạng ruộng dễ khai khẩn, hạng nhất mỗi mẫu phỏng được trên dưới 40 quan ; hạng ruộng khó khai khẩn, hạng nhất mỗi mẫu phỏng được trên dưới 20 quan. Đem chỗ nhiều bù vào chỗ ít, đại khái lấy mỗi mẫu 40 quan, thì một hạt Nam Định nếu bán được hết cả, phỏng được đến hơn 200 vạn quan tiền. Còn ở ven biển, như tỉnh Ninh Bình (số ruộng bỏ hoang cỏ cói, bùn lầy hơn 7.000 mẫu), tỉnh Hải Dương (số ruộng bỏ hoang hơn 13.000 mẫu) và các tỉnh khác cũng nhiều tỉnh có. Nếu vẫn để làm ngạch ruộng công, thì hoặc bỏ hoang mà không thuế, hoặc lấy thuế thổ thì không được mấy, đợi được thành thuế lệ ruộng công cả, cũng còn tốn công và còn lâu ngày, sao bằng dân thuận tình mua làm ruộng tư, ngày nay lấy tiền có thể giúp cho quân nhu, chỉ vài ba năm, lại có thể thu tất cả về ngạch thuế ruộng là hơn cả. Xin từ nay phàm các tỉnh ở Bắc Kỳ, những ruộng công bỏ hoang và các hạng thổ trồng khoai đậu cói, các thứ cỏ, nơi bùn lầy phù sa, bất cứ là người trong xã ấy hoặc người xã khác, huyện khác, nếu có người nào muốn mua làm của tư, thì làm đơn lên tỉnh xin nhận mua, rồi do quan tỉnh lấy công bằng khám xét đích xác, chỗ nào đã khai khẩn thành thuộc, đã cấy lúa thì chước định mỗi mẫu giá tiền là 120 quan ; việc nhận mua xong, tức phải chiếu theo lệ ruộng tư chịu thuế ; tha cho tội lậu thuế và không truy thu thuế trước nữa. Còn như ruộng nguyên bỏ hoang còn là  hạng thổ, chỗ nào gần nước ngọt dễ khai khẩn thì mỗi mẫu giá tiền 40 quan ; chỗ nào gần nước mặn khó khai khẩn thì mỗi mẫu giá tiền 20 quan. Người nào mua để khai khẩn bao nhiêu mẫu, cứ chiếu theo giá ấy, đem tiền đến nộp. Xong rồi, do quan tỉnh được phái đi khám xét ấy, cấp cho giấy làm bằng, chua rõ vào trong sổ ruộng, tạm theo ngạch cũ thu thuế, chiểu theo chỗ dễ làm chỗ khó làm, định cho niên hạn làm thành ruộng báo lên để phái đến khám, bắt đầu thu thuế, cho theo hạng ruộng tư, làm của riêng đời đời. Còn người nào mua làm hạng nào ruộng đất giá tiền bao nhiêu, quan tỉnh ấy làm danh sách tư cho bộ Hộ để lưu chiểu.

Lại xét các tỉnh ở Bắc Kỳ và Tả hữu 2 kỳ gián hoặc có nhiều dân xã nguyên ngạch là ruộng công, đất công cả, không có hạng đất làm nhà ở riêng, để cho dân đều làm nhà ở vào trong hạng ruộng công để ở. Một khi nhà cửa bỗng đổ nát, vườn đất không phải là của mình, chưa làm cho lòng người yên được. Nay nếu trích ra 1 - 2 phần nguyên là ngạch ruộng đất công của xã thôn ấy bán cho dân làm ruộng tư, thì mọi người tất thích mua, cũng là công tư đều được lợi cả. Xin phàm các xã thôn nào mà toàn là ruộng đất công cả, thì chia ra làm 10 thành, trích ra 2 thành, chiểu theo thời giá (hoặc 100, hoặc 200 - 300 quan không nhất định, đều phải đúng sự thực) bán ra làm của tư, giữ lấy làm sản nghiệp để ở. Còn thuế lệ vẫn chiểu theo ngạch cũ là ruộng đất công mà nộp. Như thế thì về quân nhu, về chi dùng của nước, mới có thể bổ ích được một chút. Đình thần xét lại cho là từ tỉnh Ninh Bình trở ra ngoài Bắc, ruộng đất của các hạt đều tốt màu, nghĩ nên chiểu từng hạng liệu tăng giá lên (như trong tập tâu xin hạng ruộng thành thục mỗi mẫu giá 120 quan, nên tăng làm 150 quan ; hạng ruộng dễ làm mỗi mẫu giá 40 quan, nên tăng làm 60 quan ; hạng ruộng khó làm mỗi mẫu giá 20 quan, nên tăng làm 30 quan). Cùng là các tỉnh, đạo từ Thanh Hoá trở vào Nam, những ruộng đất bỏ hoang, cũng nên theo thế cho dân được mua, nhưng ruộng đất ở các hạt ấy phần nhiều là đất rắn và xấu, khai khẩn hơi khó. Xin chiếu giá ở Bắc Kỳ, giảm bớt đi một nửa để tiện cho dân”. Vua y cho. Sai hãy lục sức điều khoản bán ruộng công bỏ hoang thi hành cho ổn thoả, để xem thành hiệu[6].

Tháng 11 (1871), ở Quảng Yên lại có tên Hoàng Tề nổi lên, thông với giặc Tô Tứ và giặc Tàu Ô ở ngoài bể, rồi đem binh thuyền đi cướp phá các nơi… Hay tin vua Tự Đức cho là quân thứ ở Sơn Tây đã tạm rỗi, mà thế giặc ở Hải - Yên lại hoành hành, phải tính nơi cần kíp trước. Chuẩn cho Thị sư Lê Tuấn đem quân và thuyền phái đi trước và lấy thêm 2 vệ quân mạnh khoẻ ở quân thứ Thái Nguyên về ngay tỉnh Hải Dương để trấn áp. Lại sai tỉnh Nam Định phái Hải phòng thương biện Phạm Văn Nghị đem 3 cơ binh dõng đắc lực đi ngay để cùng làm việc[7].

Tháng 2, năm Nhâm Thân, Tự Đức năm thứ 25 (1872), nạn giặc phỉ Hoàng Tề mới được đánh dẹp. Nhận được tấu sớ của Thị sư Lê Tuấn vua Tự Đức đã ban thưởng có thứ bậc khác nhau. Chính sử triều Nguyễn viết: “Bọn giặc thuỷ bộ ở tỉnh Hải Dương tụ họp bè lũ chia ra từng toán đi đánh quấy nơi đóng quân ở Thanh Lâm. Quan tỉnh và quan quân thứ (Bố chính là Tôn Thất Thuyết, Tán tương là Trương Văn Đễ) đốc suất và thúc đẩy tướng, quân vây đánh, được thắng trận to (bọn giặc ấy bỏ chạy. Trong khi đánh nhau hiện có bắt sống, chém đầu, bắn chết, đâm chết được quân giặc và thu được khí giới thực tang). Tên đầu sỏ của giặc là Hoàng Tề bị chết trong khi bắn loạn. Thị sư Lê Tuấn tâu xin ban thưởng để khuyến khích từ quản, suất trở xuống đều được thăng trật. Lại thưởng cho tiền bằng vàng, bằng bạc có thứ bậc. Viên Thị sư và các quan ở quân thứ ấy vì bàn tính đánh dẹp được việc, được khai phục hết. (Trước vì phòng giữ bất lực, Lê Tuấn, Tôn Thất Thuyết đều phải giáng 4 cấp ; Trương Văn Đễ phải giáng 3 cấp)”[8].

Tháng 11 (1872), do có nhiều công trạng trong việc quân đánh dẹp ở Bắc Kỳ Thị sư Lê Tuấn được vua Tự Đức ban áo rét của vua đang dùng để úy lạo và khích lệ tướng sĩ. Sách Đại Nam thực lục chép: Vua Dụ rằng: Áo ấy là áo rét của vua dùng, mặc để tỏ rõ là người có đức và vẻ quân thêm hùng mạnh, tạm tỏ lòng thành cởi áo cừu ban cho. Mong ai nấy đều có lòng quên rét, thực không thể ban cho khắp mọi người được[9].

Giữa năm 1873, ông được triệu về kinh để vua giao phó những trọng trách cao hơn là đàm phán với Pháp và đi sứ nước Pháp. Theo nhận định của GS. Trần Văn Giàu về việc triệu hồi Kinh lược sứ Bắc Kỳ là Lê Tuấn về kinh và ông cũng nhãn quan của vua Tự Đức là vị vua không có tài trong chống Pháp và đối phó với Pháp, chứ không hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của các đại thần như ông Lê Tuấn. Trong sách Chống xâm lăng GS Trần Văn Giàu viết: “… chúng ta thấy rằng, tuy bên Pháp bọn cầm quyền ngần ngại vì tình thế Âu châu, bọn thực dân ở Sài Gòn rất quả quyết muốn chiếm Bắc Kỳ mà chúng quả quyết như thế là bởi vì chúng trông thấy rõ sự suy đồn của chính quyền Tự Đức, thấy rằng Tự Đức sẽ không dám cương quyết chống cự. Thật vậy, trong lúc Đuy-pơ-rê và Đuy-puy ráo riết chuẩn bị cuộc võ trang can thiệp vào Bắc Kỳ, cuối tháng 8 năm 1873, triều đình Huế triệu kinh lược sứ Bắc Kỳ là Lê Tuấn, Tán lý Nguyễn Văn Tường về kinh, cùng với Nguyễn Tăng Doãn đi vào Gia Định để hội đàm với quân Pháp Đuy-pơ-rê đặng xin đi sứ sang Pháp mà thương thuyết”[10].

                                                                                       (Còn nữa)

 

[1] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, bản dịch Viện Sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.1275.

[2] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, bản dịch Viện Sử học, Sđd, tr.1296.

[3] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Sđd, tr. 1276.

[4] Thổ phỉ từ nước Thanh ở Bắc Kỳ theo sử gia Trần Trọng Kim tác giả sách Việt Nam sử lược viết: “… Dư đảng của Hồng Tú Toàn là bọn Ngô Côn chạy tràn sang nước ta, trước còn nói xin hàng, rồi sau đem quân đi cướp phá các tỉnh, quan quân đánh mãi không được. Năm Mậu Thìn… Ngô Côn chiếm giữ tỉnh thành Cao Bằng… Ngô Côn tuy chết, song còn có những đồ đảng là Hoàng Sùng Anh, hiệu cờ vàng, Lưu Vĩnh Phúc, hiệu cờ đen, Bàn Văn Nhị, Lương Văn Lợi, hiệu cờ trắng, vẫn cứ quấy nhiễu ở mạn Tuyên Quang, Thái Nguyên,… Triều đình vội vàng sai Hoàng Kế Viêm ra làm Lạng Bình Ninh Thái Thống đốc quân vụ đại thần, cùng với quan Tán tương Tôn thất Thuyết đi dẹp giặc ở Bắc Kỳ”. Trần Trọng Kim có nhắc tới một số đảng phỉ khác ở Bắc Kỳ mà như: “Năm 1871, ở Quảng Yên lại có tên Hoàng Tề nổi lên, thông với giặc Tô Tứ và giặc Tàu Ô ở ngoài bể, rồi đem binh thuyền đi cướp phá các nơi… Ở mạn thượng du thì đảng Cờ đen là bọn Lưu Vĩnh Phúc và đảng Cờ vàng là bọn Hoàng Sùng Anh quấy nhiễu ở đất Tuyên Quang…”.

[5] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Sđd, tr. 1298-1303.

[6] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Sđd, tr.1311-1312.

[7] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Sđd, tr.1315.

[8] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Sđd, tr.1325.

[9] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Sđd, tr.1365.

[10] Trần Văn Giàu, Chống xâm lăng (lịch sử Việt Nam từ 1858 đến 1898), Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2018, tr.339-340.

          Dạy học Tiếng Việt muốn đạt được hiệu quả cao cần phải có sự tham gia của nhiều yếu tố. Trong đó, việc sử dụng phương pháp dạy học phù hợp có thể giúp học sinh cảm thấy thoải mái khi tiếp thu và giúp họ nhớ bài học lâu là quan trọng hơn cả. Vì vậy, giáo viên thiết kế, tổ chức các hình thức dạy học sinh động qua trò chơi, ứng dụng CNTT nhằm nâng cao  việc dạy và học tiếng Việt đáp ứng các yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học. Việc đổi mới phương pháp dạy học tiếng Việt theo hướng vận dụng CNTT và các thiết bị dạy học hiện đại đã mang lại những hiệu quả nhất định. Bài học trở nên sinh động, thu hút sự chú ý của học sinh do có nhiều minh họa sống động, cụ thể với phim tư liệu,  tranh ảnh. Để tránh sự nhàm chán trong dạy học, giáo viên đã sử dụng các đoạn phim ngắn, các video clip, các bài nghe có nội dung phù hợp đồng thời sử dụng các hình thức dạy học phù hợp với bài dạy.

            Học tiếng Việt không phải là hoạt động một chiều. Sinh viên học tập không phải chỉ ngồi trong lớp nghe giảng, ghi nhớ kiến thức và đưa ra những câu trả lời học thuộc trong sách. Họ phải cùng nhau tham gia các hoạt động học tập với từng nhiệm vụ cụ thể sẽ đưa lại hiệu quả. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, sinh viên được hoạt động bằng cách tổ chức trò chơi trong đó mục đích của trò chơi chuyển tải mục tiêu của bài học. Sử dụng trò chơi học tập để hình thành kiến thức, kỹ năng mới hoặc củng cố kiến thức, kỹ năng đã học. Khuyến khích quá trình học tập tích cực của sinh viên, giáo viên có rất nhiều cách, tùy vào mục đích bài dạy mà tìm ý tưởng tổ chức dạy học như: học tiếng Việt qua các trò chơi dân gian, nhanh tay nhanh mắt, vẽ tranh, đọc thơ, kể truyện cười, đóng kịch ngắn...

        Để tạo không khí vui vẻ, sôi nổi trong lớp học, kích thích sự sáng tạo của LHS  giáo viên nên áp dụng phương pháp “học mà chơi, chơi mà học”.. Đây là một trong những cách dạy học tiếng Việt hiệu quả.

1. Dạy từ vựng và kĩ năng nghe bằng hình thức “Tìm đồ vật và đoán từ”

Khi dạy học từ vựng, GV có thể áp dụng trò chơi này, như sau: GV cho 1 số đồ đã học vào một cái hộp, sau đó bịp mặt một số học viên. HS tìm và đoán đồ vật. Nếu đoán đúng được lấy đồ đó (coi như quà tặng). Hình thức trò chơi này rất phù hợp khi dạy các bài về kĩ năng giao tiếp hay các bài đọc hiểu sau khi học từ vựng giúp các em nhớ từ nhanh.

Trò chơi “Bịt mắt bắt đồ” cũng có thể áp dụng cho nhiều người bằng hình thức hỏi và trả lời các câu đơn giản để ôn lại các từ mới và cấu trúc câu đã học. Một nhóm học sinh sau khi bị bịt mắt cùng được giao một nhiệm vụ phải hoàn thành. Mục đích của hoạt động là chúng phải tìm cách kiểm tra tính xác thực của thông tin bằng cách đặt ra những câu hỏi cho người khác. Ví dụ, một nhóm gồm có 10 người đều bị bịt mắt lại và được yêu cầu sắp xếp theo thứ tự từ thấp đến cao. Để làm được điều này, chỉ một hoạt động sắp xếp đơn giản đã trở nên sôi nổi hơn rất nhiều khi mà những học sinh này đâm sầm vào nhau chỉ để tìm câu trả lời cho cùng một câu hỏi… 

         2. Dạy ngữ pháp luyện viết câu và kĩ năng nói thông qua trò chơi dân gian: “Tập tầm vông, hộp không hộp có”: Trò chơi này vừa luyện từ vừa luyện mẫu câu.- GV cho 1 số đồ vật hoặc tranh và  từ về đồ vật đó rồi để trên bàn, cho SV luyện lại mẫu “Đây là cái gì?”( Thêm những câu hỏi gợi ý đối với HS)

- Sau khi HS đã nhớ tên các đồ vật, GV úp 3 chiếc hộp kín lên các đồ vật này rồi di chuyển. Sau đó hỏi mẫu câu “Đây có phải là…không?” và “Đây là ….phải không?”
         3. Dạy kết hợp các kĩ năng thông qua hình thức” Vẽ tranh”: GV đọc hoặc cho 1 HV đọc 1 vài câu hay đoạn văn ngắn, 1-2 bạn lên bảng vẽ theo lời đọc đó. HV nhớ được sẽ nhớ từ và mẫu câu theo bài đọc của GV. Hay vẽ tranh theo hình thức tóm tắt truyện. Sau khi cho các em đọc và tìm hiểu nội dung câu chuyện “Con ngỗng vàng” ,  “Ngày xưa, có người nông dân nuôi một con Ngỗng. Hàng ngày, anh ta chăm con ngỗng  cẩn thận và hy vọng nó sẽ đẻ ra nhiều trứng. Một hôm anh ta đến ổ trứng và  nhìn thấy trong đó có một quả trứng, khắp vỏ chỗ nào cũng vàng óng. Cầm trứng lên anh ta thấy nặng như chì. Anh định vứt đi vì  nghĩ rằng ai đó chơi xỏ mình. Nhưng nghĩ sao anh ta lại đem về nhà và rất  vui mừng vì đó là một quả trứng  bằng vàng. Và từ đó, sáng nào anh ta cũng lấy được một quả trứng băng vàng. Nhờ bán trứng anh ta  trở nên giàu có, nhưng lại tham lam hơn. Khi có tiền, có của anh ta bèn suy nghĩ làm thế nào để có thể lấy tất cả số trứng ở trong bụng ngỗng ra. Anh ta liền mổ bụng con Ngỗng, phanh thây nó ra, nhưng không thấy gì cả.’’

Yêu cầu các em Vẽ 4 bức tranh tương ứng với nội dung của chuyện. Sau đó, bạn hãy nhìn vào tranh để tóm tắt nội dung của câu chuyện.

          4. Dạy học Tiếng Việt bằng trò chơi viết thẻ (Giống trò chơi Bingo trong học tiếngAnh)
            - Nhằm tăng khả năng đọc và nhớ từ vựng, ứng phó linh hoạt các tình huống sử dụng từ GV dạy từ vựng sau đó yêu câu HV viết 5 từ tùy chọn vào vở. 1 HV lên bảng đọc 5 từ của mình, nếu có bạn nào ở lớp cũng có 5 từ giống như thế, bạn đó sẽ hô to lên BINGO, BINGO. GV đối chiếu vở của 2 bạn và cho điểm các em.

 - Mỗi người chơi sẽ nhận một tấm thẻ lớn (bảng Bingo) với các ô vuông chứa từ, cụm từ, số hoặc tranh ảnh. Mỗi trẻ nhận một bảng Bingo. Nội dung các ô giống nhau, chỉ khác thứ tự các ô.  Sinh viên đọc một yêu cầu, như tìm một từ, giải một phép tính hay tìm một bức tranh tương ứng với nội dung mô tả. Người chơi phải tìm ô kết quả tương ứng rồi đánh dấu. Có thể sử dụng dấu “tick” hoặc tô màu toàn bộ ô đó.Nếu tìm ra được 5 từ tạo thành một hàng dọc/ngang/chéo hoặc tìm được 4 điểm ở 4 góc, người chơi kêu lên “Bingo” và giành chiến thắng.

Giáo viên luôn chú trọng tạo môi trường học tập thân thiện cho sinh viên. Đối với sinh viên Lào việc giao tiếp, nói chuyện,  học hỏi với sinh viên Việt Nam để tăng sự hiểu biết tiếng Việt là vô cùng có hiệu quả. Vì vậy, việc cần thiết phải tạo ra môi trường có sự giao lưu thân thiện giữa sinh Lào với sinh viên Việt Nam. Ngoài ra, sự liên hệ thường xuyên giữa sinh viên và giáo viên trong và ngoài lớp học là nhân tố quan trọng trong việc tạo động lực học tập cho sinh viên và thu hút sự quan tâm của họ. Sự quan tâm của giáo viên trong khoa đã giúp sinh viên vượt qua những giai đoạn khó khăn về học tập tiếng Việt trong khi nói, viết, giao tiếp... và từ đó  việc học tập của sinh viên có hiệu quả hơn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Mai Ngọc Chừ, (2002) Tạp chí Ngôn ngữ số 5“Dạy tiếng Việt với tư cách một ngoại ngữ”.

 [2] Trần Thị Lan (2009), Hội thảo Đổi mới PPGD “Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài theo phương pháp giao tiếp”.

[3] Nguyễn Sĩ Nam (2007), Luận văn Tiến sĩ “ Khảo sát lỗi ngữ pháp tiếng Việt của người nước ngoài”.

[4] Sách “Tự học Tiếng Lào cấp tốc” (2001)  NXB CHDCND Lào.

 

  1. Đặt vấn đề

Sinh hoạt chuyên môn là một hoạt động nhằm bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, năng lực sư phạm cho giáo viên, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giảng dạy, tạo điều kiện cho giáo viên trong tổ học tập lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm về những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả nhằm góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, đồng thời qua đó tạo được sự thống nhất trong thực hiện quy chế chuyên môn. Thực tế trong nhà trường hiện nay cho thấy có tổ chuyên môn hoạt động rất mạnh nhưng vẫn còn tổ chuyên môn hoạt động một cách thụ động, ỷ lại với những tồn tại như:

  • Ít bàn về chuyên môn, sử dụng phương pháp nào phù hợp với bài dạy ... mà chỉ tập trung vào việc sinh hoạt cho đủ số lần trên tháng theo quy định.
  • Tổ trưởng chưa phát huy hết vai trò của mình, thường có tâm lí coi mình cũng như giáo viên bình thường khác, chỉ lo hồ sơ đầy đủ, sạch đẹp; chưa phân công nhiệm vụ cho giáo viên theo đúng yêu cầu, nhiệm vụ; chưa chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch, chưa mạnh dạn trong việc đề xuất các ý kiến để nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn.
  • Nội dung sinh hoạt tổ chuyên môn chưa phong phú, hình thức còn đơn điệu, gò bó, chưa đi sâu vào các vấn đề trọng tâm đổi mới phương pháp dạy học và tháo gỡ những khó khăn cho giáo viên trong tổ. Trong các buổi sinh hoạt, không khí thường trầm lắng, giáo viên ít phát biểu ý kiến; những vấn đề mới và khó ít được mang ra bàn bạc, thảo luận.

Vậy làm thế nào để buổi sinh hoạt chuyên môn thực sự có chất lượng, thu hút được giáo viên tham gia hưởng ứng tích cực, thảo luận sôi nổi vào những vấn đề trọng tâm, góp phần nâng cao chất lượng dạy học ,tôi thiết nghĩ chúng ta cần “Đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học”.

  1. Nội dung
  2. Sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học là gì?

Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học là hoạt động GV cùng nhau học tập từ thực tế việc học của HS. Ở đó GV cùng nhau thiết kế kế hoạch học, cùng dự giờ, quan sát, suy ngẫm và chia sẻ (tập trung chủ yếu vào việc học của HS). Đồng thời đưa ra những nhận xét về sự tác động của lời giảng, các câu hỏi, các nhiệm vụ học tập mà GV đưa ra,…có ảnh hưởng đến việc học của HS. Trên cơ sở đó, GV được chia sẻ, học tập lẫn nhau, rút kinh nghiệm và điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học vào bài học hằng ngày một các có hiệu quả.

2. Các bước tiến hành sinh hoạt chuyên môn dựa trên NCBH

* Bước 1: Xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch bài học nghiên cứu

a) Xác định mục tiêu:

Cần xác định mục tiêu kiến thức và kỹ năng mà học sinh cần đạt được (theo chuẩn kiến thức, kỹ năng ở từng môn học, đặc biệt cần chú ý xây dựng mục tiêu về thái độ của học sinh), đảm bảo phù hợp với trình độ và lứa tuổi của HS khi chọn bài học nghiên cứu.

b) Xây dựng kế hoạch bài học nghiên cứu (Thiết kế bài dạy minh họa):

- Bài dạy minh họa không phải do một giáo viên thiết kế mà do giáo viên trong tổ cùng thiết kế, thảo luận, thống nhất lựa chọn phương án tối ưu nhất.

- Việc thiết kế bài dạy  không nhất thiết phụ thuộc máy móc vào quy trình bước dạy theo sách giáo khoa hoặc sách giáo viên mà dựa vào mục tiêu bài học đã đề ra để thiết kế cho phù hợp.

- GV trong tổ thảo luận nội dung bài học, các phương pháp, phương tiện dạy học đạt hiệu quả cao, cách tổ chức dạy học, cách rèn kỹ năng, hướng dẫn học sinh cách vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống thực tiễn...

- Dự kiến những thuận lợi, khó khăn của HS khi học tập và các tình huống xảy ra cùng với cách xử lý tình huống (nếu có) …

Sau khi kết thúc cuộc thảo luận, GV thực hiện dạy minh họa sẽ nghiên cứu, phát triển … các ý kiến góp ý của tổ CM (nhóm). GV thực hiện hoàn thiện giáo án  dạy minh họa và chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho tiết dạy.

* Bước 2. Tiến hành dạy bài học (bài giảng minh họa) và dự giờ

- Sau khi hoàn thành xây dựng kế hoạch dạy học chi tiết, GV sẽ dạy minh hoạ bài học nghiên cứu ở một lớp đã chuẩn bị trước.

  • Các yêu cầu cụ thể của giờ dạy minh họa như sau:

+ Chuẩn bị lớp dạy minh hoạ, bố trí lớp có đủ chỗ ngồi quan sát thuận lợi cho người dự.

 + Điều chỉnh số lượng người dự ở mức vừa phải, không quá đông.

+ Việc dự giờ cần đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học của học sinh, không gây khó khăn cho người dạy minh hoạ.

          - GV dạy và dự cần quan sát việc học của tất cả học sinh, cách làm việc nhóm, thái độ tình cảm của học sinh... Khi dự giờ GV tập trung vào việc học của học sinh, theo dõi nét mặt, hành vi, sự quan tâm đến bài học của học sinh đặc biệt cần ghi chép cụ thể thái độ của học sinh khi tham gia trả lời các câu hỏi của GV, thông qua đó tìm mối liên hệ giữa việc học của HS với tác động của giáo viên về cách sử dụng các phương pháp dạy học, cách tổ chức lớp học.

           - Điều chỉnh thói quen đánh giá giờ dạy qua hoạt động của giáo viên, người dự cần

hiểu và thông cảm với khó khăn của người dạy, đặt mình vào vị trí của người dạy để phát hiện những khó khăn trong việc học tập của học sinh nhằm tìm cách giải quyết.

            * Bước 3. Suy ngẫm, thảo luận về bài học nghiên cứu

           - Giáo viên dạy minh họa chia sẻ về bài học: những ý tưởng mới; những thay đổi, điều chỉnh về nội dung; phương pháp dạy học; những điều hài lòng và chưa hài lòng trong quá trình dạy minh họa.

            - Người dự suy ngẫm và chia sẻ các ý kiến của GV về bài học sau khi dự giờ:

            - Người dự trao đổi, chia sẻ, lắng nghe mang tính xây dựng.

            - Thảo luận xem HS học như thế nào? (mức độ tham gia, hứng thú và kết quả học tập của từng em).

           - Cùng suy nghĩ: vì sao học sinh chưa tích cực tham gia vào hoạt động học, học chưa đạt kết quả... và đưa ra các biện pháp thay đổi cách dạy phù hợp.

           - Mọi người phải lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau khi thảo luận, không nên quan tâm đến các tiêu chuẩn truyền thống của một giờ dạy.

           - Không nên phê phán đồng nghiệp.

           - Không đánh giá xếp loại giờ dạy minh hoạ.

           - Lấy hành vi học tập của HS làm trung tâm thảo luận.

           - Tổ trưởng không nên áp đặt, tạo cơ hội cho GV trong tổ phát biểu, có sự dẫn dắt để GV trong tổ cùng thảo luận.

* Bước 4: Áp dụng cho thực tiễn dạy học hàng ngày

Thông qua tiết dạy minh họa, thông qua thảo luận tiết dạy của đồng nghiệp, giáo viên tự rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân, kiểm nghiệm những vấn đề đã được dự giờ và thảo luận, áp dụng vào bài giảng hàng ngày trên lớp

Trong buổi sinh hoạt chuyên môn, GV trong tổ tập trung phân tích hoạt động học tập của học sinh, tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến việc phát triển năng lực của học sinh như: Học sinh học như thế nào ? Học sinh đang gặp khó khăn gì trong học tập ? Nội dung và phương pháp dạy có phù hợp, có gây hứng thú cho học sinh không ? Kết quả học tập của học sinh có được cải thiện không ? Giờ dạy đã phát triển năng lực chưa ? Cần điều chỉnh gì và điều chỉnh như thế nào ?... Mỗi thành viên đều đưa ra ý kiến của riêng mình, có rất nhiều ý kiến hay và xác thực cho từng hoạt động của bài học.

Trong quá trình thảo luận, không tập trung vào việc đánh giá giờ học, xếp loại GV mà nhằm khuyến khích GV tìm ra nguyên nhân tại sao HS chưa đạt kết quả như mong muốn và có biện pháp để nâng cao chất lượng dạy học, tạo cơ hội cho HS được tham gia vào quá trình học tập; giúp GV có khả năng chủ động điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy sao cho phù hợp với từng đối tượng HS.

3. Các lợi ích có được khi tham gia SHCM theo NCBH

- Học cách quan sát tinh tế, nhạy cảm việc học của HS.

   - Hiểu sâu, rộng hơn về HS và đồng nghiệp. Hình thành sự chấp nhận lẫn nhau giữa GV với GV và giữa GV với HS.

   - Cùng nhau xây dựng và tạo nên văn hoá nhà trường.

   - Tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn và đổi mới PPDH, kĩ thuật dự giờ theo hướng dạy học tích cực, lấy việc học của HS làm trung tâm của GV khi tham gia SHCM theo NCBH.

4. Một số khó khăn cần khắc phục

* Về cơ sở vật chất.

-  Lớp học hẹp khó bố trí chỗ ngồi cho GV đến dự. Vì vậy BGH cần tạo điều cho tiết dạy được thực hiện ở phòng bộ môn sẽ có không gian rộng, GV dự có thể ngồi ở 2 bên để quan sát hoạt động của HS rõ hơn.

*Về GV thực hiện dạy minh họa.

- GV chuẩn bị bài dạy mất nhiều thời gian nên không sẵn sàng hợp tác. Trong tiết dạy GV không thể quan sát hết thái độ, hành động, sai sót từng HS nên GV ngại dạy vì sợ sau mỗi tiết dạy bị tham gia góp ý, đánh giá sẽ hạ thấp uy tin bản thân. Nhiều GV hoài nghi về tác dụng sinh hoạt chuyên môn mới này.

* Về nhóm chuyên môn.

- Mất nhiều thời gian cho mỗi lần SHCM theo NCBH. Từ thời gian thảo luận xây dựng bài dạy đến khi rút kinh nghiệm đưa ra bài học (mỗi lần mất khoảng 3 đến 4 tiết)

- Nhiều GV có thái độ không hoà đồng, không bình đẳng, chưa sẵn sàng học hỏi và hợp tác mà lại là phê phán, đánh giá, làm mất đi tính nhân văn của SHCM theo NCBH.

-  GV chưa thực sự hợp tác cùng nhau xây dựng kế hoạch bài học.

* Về học sinh.

- Số lượng HS trong lớp đông nên không thuận lợi cho việc học và dạy, theo dõi HS của GV dạy và dự.

- Chất lượng HS không đồng đều, ý thức học tập của học sinh chưa tốt…

III. Kết luận

Đổi mới trong sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, không chỉ bảo đảm cho tất cả học sinh có cơ hội tham gia thực sự vào quá trình học tập, giáo viên có thể quan tâm đến khả năng học tập của từng học sinh, đặc biệt những học sinh có khó khăn về học tập mà còn tạo cơ hội cho tất cả giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm và phát huy khả năng sáng tạo trong việc áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học thông qua việc dự giờ, trao đổi, thảo luận, chia sẻ sau khi dự giờ, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.

Tính chất “cách mạng thi ca” của Thơ mới trước hết là ở cái nhìn thế giới. Những quan niệm tân kì về con người, không gian, thời gian là cơ sở của một triết học văn hoá cho cái nhìn nghệ thuật của Thơ mới. Đây là điểm quán xuyến, là tính chỉnh thể, nét khu biệt nó với những dòng thơ tồn tại cùng, trước hoặc sau nó. Khác với thơ ca cổ điển chủ yếu nhìn cuộc đời qua lăng kính của những ước lệ, tượng trưng, Thơ mới nhìn đời bằng lăng kính của cá nhân. Đó là một sự giao tiếp trực tiếp giữa nhà thơ với cuộc đời. Do đó nhà thơ có dịp biểu hiện cách nhìn hồn nhiên, trẻ thơ của mình. Có bao nhiêu nhà thơ là có bấy nhiêu cách nhìn. Trong dàn hợp xướng của Thơ mới nếu tư duy thơ Hàn Mạc Tử là sự kết hợp của tính trữ tình, tư duy tôn giáo, yếu tố cá nhân hiện đại, nếu Nguyễn Bính nhìn qua chuẩn thẩm mĩ truyền thống, nếu Huy Cận khắc khoải trước một không gian toàn khối mang tính vũ trụ thì ở Xuân Diệu nổi lên cái nhìn thời gian. Nói cách khác Xuân Diệu nhìn đời bằng con mắt thời gian. Đây là điểm then chốt chi phối những ứng xử trong đời và trong thơ ông. Và xét cho cùng mọi cái mới trong thơ Xuân Diệu có lẽ được bắt nguồn từ ý thức thời gian nói trên.

Nhìn một cách khách quan, không phải đến Xuân Diệu thơ Việt Nam mới nói đến thời gian. Từ xưa các thi nhân đã không ít lần than thở về nỗi đời quá ngắn “ bóng bạch  câu lướt qua cửa phù sinh” khiến cho tóc xanh chẳng mấy chốc đã hoá bạc “sáng mới xanh tơ chiều đã tuyết”. Nguyễn Công Trứ thấy: “ Nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày. Vạn sáu chơi nhăng đã hết rồi”. Nhưng phải đến Xuân Diệu- một người với quan niệm sống rất “tốc độ” của mình- thời gian mới thực sự trở thành “nỗi ám ảnh” (Đỗ Lai Thuý), là “kẻ thù đáng gườm nhất” (Nguyễn Đăng Mạnh), là “đại lượng tiêu cực, thù địch với hạnh phúc, tuổi xuân” (Trần Đình Sử). Có thể nói chất Xuân Diệu, phong cách thơ ông chính là ở cái nhìn thời gian này.

Dù lo sợ các thi nhân xưa vẫn nhìn thời gian bằng một con mắt, một tâm thế  bình tĩnh bởi thời gian với họ là tuần hoàn, con người với trời đất là một nhất thể. Xuân Diệu thì khác, ông luôn nhìn thấy tính lưỡng trị của thời gian: một mặt nó đem tuổi trẻ, tình yêu đến mặt khác nó cũng mang lại bao sự héo úa, phôi pha:

Ngọn gió thời gian không ngớt thổi

Giờ tàn như những cánh hoa rơi

                                  (Giờ tàn)

Thời gian với Xuân Diệu là thời gian tuyến tính, một đi không trở lại bao giờ. Thước đo thời gian là tuổi trẻ mà “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” thì làm sao có được xuân tuần hoàn. Vô cùng nhạy cảm trước sự đổi thay của cuộc đời, Xuân Diệu luôn nhìn thấy sự đối lập nghiệt ngã giữa thời gian vô tận của vũ trụ với thời gian hữu hạn của kiếp người. Và thi nhân không thể điềm nhiên, dửng dưng nhìn cái cảnh xuân tới, xuân qua, xuân hết được.

Xuân Diệu không hiểu do trời phú cho một cảm quan đặc biệt hay một “ám ảnh thơ ấu” nào, ông hơn các thi sỹ khác là đã ý thức được sâu sắc sự mất mát của thời gian:

Thong thả chiều vàng thong thả lại

Rồi đi … đêm xám tới dần dần

Cứ thế mà bay cho đến hết

Những ngày, những tháng, những mùa xuân.

                                               (Giờ tàn)

Mất thời gian là mất tất cả, cả những cái tưởng như tuyệt đối: “Sự thật hôm nay không thật đến ngày mai”. Thời gian không chỉ làm thay đổi khách thể mà còn làm thay đổi chủ thể:

                                       Cái bay không đợi cái trôi

Từ tôi – phút - ấy sang tôi – phút – này.

Vì vậy trong niềm say sưa bồng bột trước cuộc đời, tình yêu, sự hiện hữu của thời gian khiến nhà thơ chưa bao giờ bình thản. Đọc Thơ thơGửi hương cho gió ta dễ dàng nhận ra một Xuân Diệu đang cô đơn chống trả lại sự tàn phá của thời gian.

Ứng xử thời gian trước hết với Xuân Diệu là lối sống “vội vàng”, “cuống quýt” đi đầu, đón trước thời gian. Từ đó những câu thơ của Xuân Diệu được viết ra giống như những hơi thở gấp gáp trong lồng ngực kiểu: “Đi mau, trốn nét, trốn hình. Trốn hơi, trốn tiếng, trốn mình, trốn nhau”, “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”, “mau đi thôi! mùa chưa ngã chiều hôm,”, “Mau lên chứ! Vội vàng lên với chứ!”…. Đằng sau những từ: “vội vàng”, “giục dã”, “mau”, “gấp” ta hình dung ra điệu bộ cuống cuồng, sảng sốt của thi nhân cùng nỗi ám ảnh lo sợ sự “muộn màng”, “không kịp”, “lỡ làng”, “lỡ thì”…

Sống “vội vàng” chưa đủ mà phải biết “sống toàn tâm, toàn ý, toàn hồn. Sống toàn thân và thức nhọn mọi giác quan” nghĩa là đưa hết cái nội lực của lòng mình ra để sống, để cảm nhận được ý nghĩa tươi đẹp của cuộc đời. Đọc thơ Xuân Diệu người đọc dễ dàng nhận thấy thơ ông đầy những động tác: ôm, riết, quấn, cắn, ăn, uống, hút say, no nê, đã đầy:

Ta ôm choàng, ôm riết bánh thần tiên

Ta ôm bó cánh tay ta làm rắn

Làm dây da quấn quýt cả mình xuân

Không muốn đi ở mãi mãi vườn trần

Chân hoá rễ để hút màu dưới đất

                                (Thanh niên)

Hay:

Ta bám vào thịt da của đời

Ngoạm sự sống để làm êm đói khát

Muôn nỗi ấm và muôn nỗi mát

Điều ta ăn nhấm nháp rất ngon lành

Ngực thở trời mình hút nắng trời xanh

                                 (Thanh niên)

Tôi đưa răng bấu mặt trời

Kẻ đựng trái tim trìu máu đất

Hai tay chín móng bám vào đời

Kẻ uống tình yêu dập cả môi

                                                                              (Hư vô)

Đằng sau những câu thơ rất Xuân Diệu ấy ta nhận ra được một niềm ham mê sự sống đến cuồng nhiệt, một sự gắn bó máu thịt của nhà thơ với cuộc đời.

Xuân Diệu còn chiến thắng thời gian bằng việc biết sống với giây phút hiện tại. Trong thơ Xuân Diệu cũng có lúc nói đến cái “ngày xưa” hay cái “ngày mai”. Tuy nhiên những câu thơ như thế chiếm một tỉ lệ quá ít trong toàn bộ sáng tác của ông và nó cũng không tiêu biểu cho cảm quan về vũ trụ, triết lí nhân sinh và tư tưởng thẩm mĩ của nhà thơ. Chủ ý của ông trước sau vẫn thiên về khẳng định ý nghĩa của cuộc sống ngay ở trục thời gian hiện tại. Bởi hiện tại chính là sự cô đặc của thời gian. Biểu dương hiện tại, biết dồn nén thời gian sống vào hiện tại, thi nhân viết: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối. Còn hơn buồn le lói đến trăm năm”. Khẳng định ý nghĩa của cuộc sống ngay ở trục thời gian hiện tại là một nét độc đáo trong thi pháp thời gian Xuân Diệu – một hiện tượng gần như ngoại lệ - mà nếu chúng ta đồng nhất thi pháp tác giả trào lưu thì không thể giải thích được.

Con người đam mê cuộc sống trần thế ấy không thể từ bỏ hiện tại để hành hương đơn độc về quá khứ như Chế Lan Viên: “ Đường về thu trước xa xa lắm. Mà kẻ đi về chỉ một tôi” (Thu). Ông thực tiễn trong thuyết hiện sinh của mình:”.“Kể chi chuyện trước với ngày sau” (Tình trai) hay “Cần chi biết ngày mai hay bữa trước? Gần hôm nay, thì yêu dấu là nên” (Mời yêu). Khẳng định thực tại, Xuân Diệu không chỉ thờ ơ với quá khứ mà còn rất hoài nghi ở tương lai:

Gấp em đi, em rất sợ ngày mai;

Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn”. (Giục dã)

Nhà thơ sợ cái “ngày mai” vì ngày mai là ngày của “độ phai tàn sắp sửa”. Xuân Diệu say sưa với hiện tại, ông đếm từng giây, từng phút của hiện tại, vồ vập nó, hưởng thụ nó: “Em vui đi, răng nỡ ánh trăng rằm; Anh hút nhuỵ của mỗi giờ tình tự”.

Ý thức thời gian nói trên đã quyết đinh chỗ đứng và điểm nhìn của nhà thơ trước cuộc đời.

Chủ nghĩa lãng mạn nói chung, thơ lãng mạn nói riêng luôn đi tìm sự đối lập giữa thực tại và lí tưởng với ý thức phủ nhận thực tại. Bởi vậy trong Thơ mới, hầu hết các nhà thơ đều tìm cho mình một con đường để trốn thực tại. Thế Lữ hoặc nuôi giấc mộng lên tiên hoặc làm con hổ nhớ về “thủa tung hoành hống hách những ngày xưa” (Nhớ rừng). Vũ Đình Liên khắc khoải một nỗi niềm “năm nay hoa đào nở. không thấy ông Đồ xưa” (ông Đồ). Chế Lan Viên với một tâm trạng thường trực: “Trời hỡi trời hôm nay ta chán hết. Những sắc màu hình ảnh của trần gian”, nhà thơ chỉ có một nhu cầu: “Hãy cho tôi một tinh cầu lạnh giá. Một vì sao trơ trọi cuối trời xa. Để nơi ấy tháng ngày tôi lẫn tránh. Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo”. Chỉ có Xuân Diệu là vẫn bám lấy cuộc đời để tận hưởng. Ông là “người của đời, một người ở giữa loài người. Lầu thơ của ông được xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian” (Thế Lữ). Thơ Xuân Diệu cắm rễ giữa cuộc đời, hồn thơ của ông nảy nở sum suê nhờ màu mỡ hút từ mạch đất. Đúng như Hoài Thanh nhân xét: “Xuân Diệu đốt bồng lai tiên cảnh xua ai nấy về hạ giới”.

 Có thể nói qua cái nhìn về thời gian của mình, Xuân Diệu luôn thể hiện một cái tôi đầy cá tính, một cái tôi độc đáo, không lặp lại bất cứ gương mặt nào. Tìm hiểu cái nhìn về thời gian trong thơ Xuân Diệu trước cách mạng, người đọc có được một phương diện rất cơ bản để nhận diện hình tượng nghệ thuật của tác giả trong tác phẩm và đặc điểm phong cách nghệ thuật của nhà thơ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, H. 2001.
  2. Đỗ Lai Thuý, Con mắt thơ, NXB Văn hoá thông tin, H. 2001.
  3. Lí Hoài Thu, Thơ xuân Diệu trước cách mạng tháng Tám- 1945, NXB Giáo dục, 1998.

                             Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, phát huy tinh thần tương thân tương ái và đặc biệt thể hiện ý nghĩa sâu sắc của tết Nguyên Đán Việt Nam là lan toả yêu thương, sẻ chia, gắn kết, chiều ngày 28/1/2022 các GV khoa TV đã tổ chức trao quà cho các em LHS Lào mới đến học tếng Việt ở Việt Nam.

Các giáo viên đã tặng những món quà đậm hương vị của Tết cồ truyền Việt Nam như bánh chưng, giò luạ, bánh kẹo….cho các em LHS Lào K14. Đây cũng là cơ hội  để các giáo viên được sẻ chia tấm lòng, thể hiện tình đoàn kết, gắn bó, yêu thương tới các em Lưu học sinh Lào. Mong rằng, những món quà nhỏ nhưng ý nghĩa này sẽ phần nào giúp các em học sinh đón Tết Nhâm Dần với người Việt Nam ấm áp, vui vẻ hơn, nhanh hoà nhập với môi trường hoàn cảnh ở Việt Nam và là động lực giúp các em học tập ngày càng tiến bộ hơn.

                                                                                               



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.