foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt
foto1
Khoa Tiếng Việt

+(084)0393.885.133
khoatiengviet@htu.edu.vn
Liên hệ



                                        

            “Văn chương, kí ức và sáng tạo” là tập sách mới của nhà văn Hà Quảng (xuất bản 2014).Với phông văn hóa phong phú, sự hiểu biết sâu sắc, sự chuyên tâm của người cầm bút, tác giả đã có những kiến giải đặc sắc về vấn đề lí luận trong văn học nghệ thuật.Những vấn đề lý luận mà tác giả lưu tâm là những vấn đề thời sự của văn học nghệ thuật nước nhà được bàn thảo nhiều trong những năm gần đây như: vấn đề đổi mới phương pháp sáng tác, tính hiện đại và bản sác dân tộc trong văn học, vấn đề văn chương và đề tài lịch sử, truyện ngắn thời nay, thơ ca chất lượng cao, sự phát triển thể tài trường ca…Đối với từng vấn đề lí luận, tác giả đều có một cái nhìn mới, một sự lý giải trung thực, khách quan trên hai cơ sở truyền thống và cách tân. Ông nhìn nhận sự phát triển của Văn học nghệ thuật đương đại như một đồ thị hướng đến hai tính chất thoáng nhìn như “trái ngược” nhưng thực ra là một quan hệ biện chứng, là đồ thị một hệ phương trình mà trục tung là tính dân tộc, trục hoành là tính hiện đại, tuy có hai tham số nhưng tích hợp lại cùng một phương. “Trong ý nghĩa sâu xa của nó, khi một nền văn hoá phát triển  đạt được bản sắc dân tộc ở tầm cao cũng tức là đạt tính hiện đại  và ngược lai khi nó đạt tính hiện đại sâu sắc thì cũng đã  hàm chứa bản sắc dân tộc”.( tr93)

            Đi vào từng thể tài, tác giả lý giải một cách mực thước về yêu cầu đổi mới, xem đó là một nhu cầu để phát triển văn học, nhưng không cực đoan chạy theo đuôi nước ngoài, quên mất cái đường “pít” mà cuộc sống đặt ra cho văn hóa dân tộc, một dân tộc đang trên đường hội nhập có những đặc điểm riêng. Những lý thuyết về hậu hiện đại, tân hình thức, hậu thuộc địa, tân cổ điển…, được tiếp thu trong sự nối tiếp truyền thống văn hóa dân tộc không thể “cách tân tự trên trời rơi xuống”. Chẳng hạn, lý giải về sự phát triển thể tài trường ca Việt Nam hiện đại, tác giả khẳng định:“…khuynh hướng trường ca kết hợp hai yếu tố  tự sự và trữ tình ( trong đó tự sự là chủ đạo) vẫn là một dòng chảy liên tục phát triển, một phía khác có xuất hiện nhiều tác phẩm theo khuynh hướng cách tân mà yêú tố trữ tình là chủ đạo.”( tr141)Một cách lý giải khá hợp lý, sát hợp thực tiễn văn học Việt Nam nói chung và thể tài trường ca nói riêng.

         Đối với hiện tượng “Thơ khó”, ông vẫn khẳng định đó là một lối đi có triển vọng nhưng không nên xem là khuôn mặt chính của thơ ca đương đại, hay truyện ngắn và tiểu thuyết không nên sa vào việc phê phán cái xấu bằng sự nối tiếp những nhân vật hình sự trên báo chí mà nên bằng con đường thể hiện cái xấu của con người như là một phạm trù thẩm mỹ: cái xấu đối lập với cái đẹp, là sự lấn át của hình thức với nội dung, có ở mọi nơi trong đời sống ở mọi hạng người. Những kiến giải của tác giả cho chúng ta thấy cái chính là có nguồn mạch từ nền học thuật cơ bản truyền thống có tiếp thu các tư tưởng thẩm mỹ mới nhưng không nệ cổ và cũng không cực tả vọng ngoại. Nhưng cái chất “trung dung” đó tuy có cái lợi không đẩy các ý kiến đi quá xa cái đường “pit” đời sống đặt ra cho văn học trên kia, nhưng đôi  khi nó sa vào chung chung, vô thưởng vô phạt thiếu tính thuyết phục mạnh mẽ hướng về cái mới.

            Khi viết về các tác giả và tác phẩm trong lĩnh vực văn học cổ và trước cách mạng, tác giả có những phẩm bình, nhận xét khá thú vị về các hiện tượng tưởng như đã nhờn mòn, như về thơ Tống biệt hành - Thâm Tâm, về tác phẩm Cây chuối - Nguyễn Trãi, Phong Kiều dạ bạc - Trương Kế, đặc biệt tác giả góp bàn thêm về phương thức sáng tạo của Nguyễn Du qua Truyện Kiều, về Văn phái Hồng Sơn, về Tuệ Trung thượng sĩ…, những ý kiến khá mới mẻ, thể hiện một sự cẩn trọng và công phu khi tiếp cận các văn bản cổ. Bàn luận về thơ Bác, một bài thơ đã có bao nhiêu ý kiến trao đổi, bài Thướng sơn, tác giả vẫn có một cách lý giải riêng khá độc đáo, sâu sắc: “Thi trung hữu hoạ, bài thơ là một bức hoạ giàu màu sắc đường nét bằng ngôn từ về ngoại cảnh, nhưng trước hết và chủ yếu  nó  là một bài thơ trữ tình, hình tượng thơ phải chăng là một lời tự thổ lộ của chủ thể, các  biểu tượng hoa, mặt trời là những ẩn dụ về bản ngã và tâm hồn của tác giả…”( tr179)

           VĂN CHƯƠNG, KÝ ỨC VÀ SÁNG TẠO là một bước tiến mới của tác giả trên đường nghiên cứu. Tập sách đầy đủ tính lý luận về các vấn đề chung của văn học và cũng khá tinh tế trong việc cảm nhận từng tác phẩm cụ thế. Người đọc có thể bắt gặp một phong cách viết văn cẩn trọng và mới mẻ hài hòa lý, tình, của một nhà văn - nhà giáo nhiều năm trong nghề, tác phẩm tạo một hiệu ứng tiếp nhận tốt ở các tầng lớp độc giả./..

                                                                                                  

                                                                                     A.T

 

                                           



Copyright © 2024 Copyright Khoa Tiếng Việt - Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.