Trong bốn mùa, Xuân Quỳnh dành một tình cảm đặc biệt đối với Hạ.Với chị, Hạ lại là mùa cháy hết mình của những đam mê, khát khao dâng hiến cho cuộc đời. Trong những trang thơ của nữ thi sĩ tài hoa này, Hạ bừng lên một sức sống mãnh liệt.

Đó là mùa của những tiếng chim reo

Trời xanh biếc, nắng tràn trên khắp ngả

Đất thành cây, mật trào lên vị quả

Bước chân người bỗng mở những đường đi

Hạ đến bằng dàn hợp xướng tưng bừng rộn rã, đánh thức mọi giác quan bởi hương sắc, mùi vị, âm thanhđặc trưng. Đó là sắc màu xanh biếc của bầu trời, thứ màu xanh đặc biệt giữa cái nắng chói chang, rực rỡ của mùa Hạ, là vị ngọt lừ của quả chín, là tiếng chim reo rộn rã đón chào một ngày mới. Sự sống tươi đẹp, căng tràn, hấp dẫn, thiên đường là đây, chính ở trên mặt đất tươi đẹp và quyến rũ này.

 Bằng một loạt từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm: phơi trần, lồng lộng, trào, tràn, xanh biếc, xanh thẳm …, Xuân Quỳnh đã đem đến một mùa hạ căng tràn nhựa sống. Là thi sĩ có năng khiếu về hội họa, trong thơ, Xuân Quỳnh thích chuyển mọi cảm giác về thị giác. Màu sắc trong thơ chị không phải là những “màu sáng nhạt nhòa hư ảo của mộng mà là những gam màu sáng rõ ràng tươi mới của thực; không phải là màu của những tia sáng dần tắt lúc hoàng hôn mà là màu của ánh nắng ban trưa chói chang, rực rỡ.”  Không nhiều màu sắc, bức tranh Hạ của chị đặc tả với gam màu xanh, trắng. Trên cái phông nền” trời xanh biếc”,“biển xanh thẳm”, nổi bật lên hình ảnh những cánh buồm trắng lồng lộng gió, trẻ trung và đầy sức sống.

Đọc “Mùa hạ” của Xuân Quỳnh tôi chợt nhớ đến những câu thơ của nữ thi sĩ Nga Ôn -ga béc –gôn:

Có một mùa trong ánh sáng diệu kỳ,
Cái nóng êm ru, màu trời không chói,
Mùa hè rớt - cho những người yếu đuối,

Cứ ngỡ ngàng như mới bắt đầu xuân!

Hai bức tranh thiên nhiên của hai xứ sở, hai tác giả thuộc về hai nền văn hóa khác nhau, song dường như có sự đồng điệu trong mối tương giao với thiên nhiên, tạo vật.

Mùa Hạ trong thơ Xuân Quỳnh, đẹp không chỉ ở sắc màu tươi sáng, những âm thanh rộn rã mà nét duyên của Hạ chính là ở vẻ đẹp chân thật không hề giấu giếm, tất cả mọi góc, mọi phía của bức tranh đều “phơi trần” dưới nắng. Có lẽ cũng bởi vậy mà  nữ thi sĩ đa cảm, nhân hậu và trung thực này tìm đến mùa Hạ như một người bạn tâm giao:

Đó là mùa không thể giấu che

Cả vạn vật đều phơi trần dưới nắng

Biển xanh thẳm, cánh buồm lồng lộng trắng

Từ những miền cay đắng hóa thành thơ

Hạ còn là mùa thắp sáng, thôi thúc những ước mơ cao cả. Trong cái bao la khoáng đạt, dữ dội của thiên nhiên, mọi dục vọng tầm thường dần biến mất  thay vào đó là những lẽ sống cao đẹp, là lòng nhân ái, sự yêu tin. Thiên nhiên tươi đẹp thôi thúc bước chân người, tất cả cuồn cuộn, hối hả trong nhịp đi của hạ. Điệp khúc “đó là mùa …” vang lên như một lời khẳng định, giục giã.

Đó là mùa của những ước mơ

Những dục vọng muôn đời không kể xiết

Gió hóa bão, mưa thành sông thành bể

Một thoáng nhìn có thể hóa tình yêu

Đó là mùa của những buổi chiều

Cánh diều giấy nghiêng vòm trời cao vút

Tiếng dế thức suốt đêm dài oi bức

Tiếng cuốc dồn thúc giục nắng đang trưa

Yêu đời, thiết tha với cuộc sống, song vốn là một người đa cảm, người phụ nữ ấy không khỏi phấp phỏng lo âu trước những dự cảm bất an về cuộc đời đầy giông bão, về

sự ngắn ngủi của kiếp người.

Mùa hạ của tôi, mùa hạ đã đi chưa

Ôi tuổi trẻ bao khát khao còn, hết?

Mà mặt đất màu xanh là vẫn biển

Qủa ngọt ngào thắm thiết vẫn màu hoa

Nhưng vượt lên tất cả  vẫn là niềm tin về cuộc sống.  Mở đầu bài thơ là gam màu xanh, bài thơ kết lại vẫn là gam màu xanh bất diệt:”Mà mặt đất màu xanh là vẫn biển”.“Trong thơ Xuân Quỳnh, màu xanh trở thành một trong những màu mang ý nghĩa biểu trưng tiêu biểu và sống động nhất. Xuân Quỳnh tin tưởng vào sự cao cả của màu xanh, nhà thơ lấy màu xanh làm biểu tượng cho các giá trị đẹp đẽ, quý giá, màu xanh là biểu tượng của niềm tin hi vọng, là vẻ đẹp của tấm lòng thuần khiết”.

         Hai câu kết  của bài thơ giàu chất triết lí: sự sống là vĩnh hằng, bất diệt, khi biết cháy hết mình những khát vọng tuổi trẻ, sống có ý nghĩa, thì mùa Hạ vẫn mãi bên ta.