Được sự đồng ý của Ban Giám hiệu Trường Đại học Hà Tĩnh  và sự hướng dẫn tận tình của các cô giáo trong Khoa Sư phạm Xã hội -Nhân văn, sinh viên Lào K8 Tiếng Việt đang học tập tại Trường đã có chuyến đi thực tế thật bổ ích và lí thú. Được đi tham quan những danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh là cơ hội cho chúng em hiểu thêm về lịch sử cũng như văn hoá của hai mảnh đất đầy nắng gió nhưng vô cùng kiên cường  anh dũng.

Đây là lần đầu tiên chúng em được đi tham quan cùng nhau nên tất cả mọi người đều háo hức chờ ngày xe lăn bánh. 6h30 ngày mồng 10 tháng  5 năm 2016, chúng em tập trung tại sân ký túc xá của trường. Hành trình chuyến tham quan của hơn 200 sinh viên và 8 giáo viên bắt đầu. Tất cả có 5 xe ô tô nối đuôi nhau. Ngồi trên xe chungs em cùng giao lưu văn nghệ với nhau tạo nên một không khí vui vẻ, ấm áp, gần gũi. 7h45 đoàn chúng em đến địa điểm đầu tiên của hành trình đó là Quảng trường Hồ Chí Minh ở trung tâm thành phố Vinh. Bầu không khí trong lành của buổi sáng sớm mùa hè làm cho cảnh vật xung quanh thêm xinh đẹp. Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ được xây dựng vào năm 2000 và khánh thành vào ngày 19/5/2003, đúng dịp kỷ niệm 113 năm sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở đây có tượng đài Bác Hồ được làm bằng chất liệu đá Granit Bình Định cao 12m, nặng 150 tấn. Tượng được đặt tại quảng trường mang tên Người rộng gần 11ha với nhiều hạng mục như: lễ đài, cột cờ, đường diễu hành, sân hành lễ, hệ thống điện chiếu sáng, thảm cỏ, cây xanh, hệ thống đài phun nước. Núi Chung ở phía sau tượng đài được mô phỏng theo núi Chung ở làng Sen quê Bác. Đây được xem là điểm sinh hoạt văn hoá xã hội của người dân xứ Nghệ, một điểm đến của du khách trong và ngoài nước ghé thăm trên con đường di sản miền Trung. Tại đây toàn thể giáo viên và sinh viên đã dâng hương tưởng nhớ Người và cùng nhau chụp ảnh để lưu lại những khoảnh khắc khó quên ở nơi đây.

Sau đó đoàn lại tiếp tục hành trình đến quê Ngoại của Bác Hồ. Lúc 9h10 chúng em có mặt tại làng Hoàng Trù. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời, gắn liền với nhiều kỉ niệm năm tháng tuổi thơ của Bác. Ở đây chúng em được cô hướng dẫn viên giới thiệu về cụm di tích này. Cụm di tích gồm: ngôi nhà của cụ Hoàng Đường và cụ Nguyễn Thị Kép (ông bà ngoại Bác Hồ), ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân, ngôi nhà của ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị    (thân phụ của Bác Hồ). Cụm di tích rộng 35.000km2, ở đây có ngôi nhà nhỏ 3 gian là nơi Bác Hồ được sinh ra. Phía sau có một gian nhà bếp, gian ngoài là nơi nghỉ của ông Nguyễn Sinh Sắc. Ở đây có một bộ phản và chiếc án thư cùng hai chiếc ghế. Ở gian thứ ba có một bộ khung cửi dệt vải mà bà Hoàng Thị Loan đã dùng để nuôi chồng ăn học và nuôi con. Ở gian giữa có một chiếc rương, phía trong chiếc rương là chiếc giường nhỏ đơn sơ bằng gỗ xoan, thang tre, liếp nứa và chiếu mộc. Xung quanh nhà là những loại cây quen thuộc của người dân Việt Nam.

10h30 chúng em di chuyển tới cụm di tích làng Sen – quê Nội của Bác Hồ. Đoàn đã được vào thăm ngôi nhà lá 5 gian mộc mạc. Ngôi nhà này gắn với tuổi thơ của Bác Hồ từ năm 1901 – 1906. Ngôi nhà lợp mái tranh, nhỏ bé, giản dị. Hai gian ngoài là nơi đặt bàn thờ tổ tiên và nơi tiếp khách, gian thứ ba là nơi ở của bà Nguyễn Thị Thanh - chị gái Bác Hồ. Hai gian còn lại là nơi sinh hoạt và nghỉ của gia đình. Ở gian thứ tư có kê bộ phản gần cửa là nơi cụ phó bảng thường nằm đọc sách. Gian thứ năm kê bộ phản là nơi nghỉ của hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (Bác Hồ). Hết ngôi nhà lớn là bước xuống ngôi nhà ngang, ngày trước dùng để nấu nướng và để đồ đạc. Em được biết Bác Hồ về thăm quê 2 lần vào năm 1957 và 1961, lần nào Người cũng bồi hồi, xúc động khi nhìn thấy những kỷ vật quen thuộc thân thương này. Khu di tích lịch sử Kim Liên còn bao gồm các kiến trúc mới như khu hành lễ, nhà lưu trữ và trưng bày các tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Rời quê Ngoại và quê Nội Bác Hồ, chúng em lại đến với một địa điểm du lịch nổi tiếng của miền Trung, đó là biển Cửa Lò. 12h30 xe chúng em đến với biển - một hình ảnh xa lạ đối  sinh viênLào bởi ở đất nước chúng em không có biển. Cửa Lò là nột bãi biển đẹp ở phía Đông của tỉnh Nghệ An.Bãi biển Cửa Lò dài hơn 10km, có cát trắng, phẳng mịn, nước trong và sạch. Đây là nơi sinh sống của những người dân làm nghề biển, là nơi tắm biển và nghỉ dưỡng nổi tiếng. Nhìn ra xa phía biển có thể nhìn thấy 2 hòn đảo nhỏ, đây là nơi sinh sống của các hệ thực vật phong phú. Mùa du lịch thường được khai trương vào dịp 30/4 và 1/5. Đến đây đoàn chúng em cùng nhau nghỉ ngơi và ăn trưa. Giữa cái nắng chói chang của buổi trưa hoà lẫn gió mát và vị mặn từ  biển tạo nên một không gian rất đẹp. Chúng em được tự do đi dạo, đi chơi xung quanh bãi biển, cùng nhau chụp ảnh lưu lại những cảnh đẹp nơi đây.

Tạm biệt vùng đất Nghệ An chúng em lại tiếp tục hành trình về với mảnh đất Hà Tĩnh anh hùng. 14h20 chúng em đến với khu lưu niệm Nguyễn Du. Nguyễn Du (1763-1820) là đại thi hào của dân tộc Việt Nam. Khu lưu niệm có diện tích khoảng 28,562m2, thuộc xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân. Ở đây có các hạng mục như: nhà tư văn, nhà thờ, nhà trưng bày, mộ Đại thi hào Nguyễn Du; đền thờ và mộ quận công Nguyễn Nghiễm. Ngoài ra, trong khu di tích còn có các di vật, cổ vật gắn với một số nhân vật của dòng họ Nguyễn. Đây là nơi tưởng niệm Nguyễn Du cùng những bậc tài danh kiệt xuất của dòng họ Nguyễn ở xã Tiên Điền. Đến đây chúng em được hiểu thêm về con người và vùng đất Hà Tĩnh, là cơ hội để tìm hiểu thêm về những giá trị văn hoá lịch sử của nơi đây.

Điểm đến cuối cùng của đoàn là Khu di tích thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc. Đây là địa danh chúng em đã được biết đến qua các bài học về Hà Tĩnh nhưng giờ mới có dịp đến thăm. 16h20 chúng em đến với Ngã Ba Đồng Lộc, nắng chiều dịu nhẹ càng làm cho không gian nơi đây trở nên tĩnh lặng và linh thiêng.Từng dòng người lặng lẽ dâng những bó hoa tươi và thắp hương để tưởng nhớ 10 nữ thanh niên xung phong đã hy sinh  nơi đây. Đoàn chúng em đã vào thắp hương và chụp ảnh lưu niệm ở đây. Sau đó chúng em đi tham quan khu di tích và được nghe kể về sự hi sinh của 10 cô gái Thanh niên xung phong. Ngã Ba Đồng Lộc là một trong những điểm giao thông huyết mạch trong chiến tranh, cho nên quân đội Hoa Kỳ đã tập trung nhiều máy bay thả bom nhằm cắt đứt đường tiếp tế của người dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Nơi đây có một tiểu đội thanh niên xung phong có nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường thông xe ra trận. Tiểu đội 4 gồm 10 cô gái trẻ, tuổi từ 17 đến 24. Trưa ngày 24/7/1968, như mọi ngày 10 cô ra làm nhiệm vụ, đến 16h30 trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, 1 quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm nơi 10 cô đang tránh bom. Tất cả các cô đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, phần lớn trong số họ chưa có gia đình. Đến đây được nghe lời thuyết minh xúc động của hướng dẫn viên và được xem bộ phim “Đồng Lộc – Đất và Trời”, chúng em càng thêm yêu mảnh đất này, càng tự hào khi được học tập ở đây.

Đây là chuyến đi rất ý nghĩa đối với các Lưu học sinh Lào. Chúng em hiểu biết thêm về  mảnh đất và con người xứ  Nghệhồn hậu, mến khách nhưng cũng rất anh dũng, kiên cường... Hành trình chuyến tham quan tuy  đã khép lạichúng em mỗi người đều có một suy nghĩ, một cảm nhận riêng cho mình nhưng dấu ấn và dư âm của chuyến đi vẫn cònlắng đọng trong trái tim cua  sinh viên Lào. Cảm ơn nhà trường và các cô giáo đã cho chúng em hiểu thêm về con người và lịch sử nơi đây để càng thêm yêu quý Việt Nam – đất nước thân thiết, thắm tình hữu nghị của nước Lào thân yêu.