Tình yêu là đề tài muôn thuở của thi nhân từ xưa đến nay. Ai cũng có một lần lạc chân đến vườn yêu và hiếm người không bị quyến rũ bởi vườn yêu của thi ca. Ở mảnh đất địa đàng đó có tình yêu đầu trong sáng tựa trăng rằm, có nỗi buồn nhớ tương tư, có sầu muộn của chia xa, có ngọt ngào mê đắm ngày hội ngộ,... Chính vì vậy mà mỗi bài thơ tình lại là một lần gọi tên xúc cảm  khác nhau của tình yêu, mỗi bài thơ lại mở ra từng khoảnh khắc yêu thương rất đỗi riêng tư.

Bài thơ “Giữa hai chiều quên nhớ” của Bùi Sim Sim cũng mang trong mình âm hưởng tình yêu ấy nhưng với những cảm xúc tình yêu rất lạ.

“Chưa đủ nhớ để gọi là yêu

Chưa đủ quên để thành xa lạ”

Với hai câu thơ mở đầu đầy mâu thuẫn, nhà thơ đã mở ra tâm trạng của nhân vật em. Sự bối rối được thể hiện với kết cấu lặp lại “chưa đủ...” và những từ chỉ mức độ tình cảm trái ngược: nhớ/quên, yêu/ xa lạ. Đó là sự diễn tả lưng chừng của tình cảm. Từ đó, nhà thơ gọi tên cái cảm xúc kỳ lạ ấy bằng hai từ “ám ảnh”. “Ám ảnh” là từ vừa có thể biểu cảm tâm trạng của cô gái, vừa diễn tả nối tiếp “chưa đủ nhớ”, “chưa đủ quên” của hai câu thơ trên. Và tâm trạng của nhân vật em không còn dừng lại ở sự băn khoăn mà hình như “nhớ” và “quên” đang giằng xé cả tâm hồn khiến nhà thơ phải thốt lên “nghiệt ngã” để trải nỗi lòng sâu kín của cô gái.

“Anh ám ảnh em hai chiều nghiệt ngã       

Nghiêng bên này lại chống chếnh bên kia”

Bài thơ có ba khổ thơ. Và nếu tách mỗi khổ thơ ra đứng riêng thì các khổ ấy cũng có thể trở thành một bài thơ ngắn bốn câu. Bởi lẽ, mỗi khổ thơ có một cái tứ riêng, hoàn chỉnh từ hình thức đến nội dung. Tuy nhiên, khi đặt trong một thể thống nhất, chúng ta sẽ thấy được một hành trình cảm xúc của tình yêu.

Nếu như khổ thơ đầu tiên là sự băn khoăn, giằng xé trong nhân vật em bởi ám ảnh đối tượng trữ tình anh giữa hai chiều quên - nhớ thì khổ thơ cuối là sự khắc khoải của nhân vật em khi nỗi nhớ ấy bật thành tiếng gọi da diết, nhưng vẫn không thể lý giải được“anh là gì”. Tuy nhiên sự không thể lý giải ấy chính lại là đáp số cho xúc cảm, tâm trạng của nhân vật em. Cô gái đã “nghẹn lòng khi thốt gọi thành tên”.

Trong khi đó, khổ thơ thứ hai lại là một chút phiêu diêu, tưởng như ngoài đề nhưng thật ra, đó là một sự ngoại đề đầy chủ ý. Mọi sự vật và hành động trong khổ thơ này (ngôi sao, gió, ngọn cỏ, thiên sứ,...) đều vẫn xoay quanh cảm xúc, tâm trạng giữa hai chiều quên, nhớ của cô gái. Khác với khổ thơ đầu và khổ thơ cuối, khổ thơ này như một chút lắng đọng, một phút tự an ủi lòng mình của cô gái với “lời thầm thì dịu dàng”, lời vỗ về“ngủ ngon nhé”, rồi “biết đâu chừng thiên sứ đến vây quanh”. Nỗi lòng của nhân vật em dường như đang tìm những linh hồn đồng điệu. Tất cả những từ ngữ trong khổ thơ với âm điệu nhẹ nhàng, sâu lắng để khắc họa nên một khoảng lặng của tâm hồn cô gái. Vì vậy, khổ thơ thứ hai được xem như là điểm cân bằng của đòn gánh hai chiều quên - nhớ trong bài thơ này. Hay nói cách khác, khổ thơ thứ hai là khổ thơ quên trong sự đan xen quên và nhớ. Sự đan xen ấy phải chăng cũng là một quy luật bất biến của tình yêu?

Đọc bài thơ, chúng ta có cảm giác nhà thơ không chỉ tả tâm trạng của nhân vật em mà dường như kéo chúng ta vào cái không gian hư ảo giữa hai chiều quên – nhớ. Dọc theo bài thơ, nhà thơ đã mở  ra không gian ấy bằng một trường từ láy (chống chếnh, chòng chành, lắc lư) và những từ ngữ được chọn lọc tinh tế. Với hiệu ứng thẩm mỹ do ngôn từ tạo ra, người đọc như bước vào tâm hồn nhân vật em thật khẽ, thật nhẹ nhàng. Nhà thơ đã dùng ngôn ngữ để vẽ nên không gian rộng như biển khơi mênh mông cùng trăm ngàn con sóng vỗ về. Và tất cả những từ ngữ: “nghiêng, nhịp sóng, lắc lư...” và đặc biệt là từ “chở” đã hóa tình cảm, tâm trạng của nhân vật em trở thành một hình tượng hoán dụ trong tác phẩm. Đó là một chiếc thuyền tình yêu bé nhỏ, đơn chiếc chòng chành giữa không gian mênh mông của hai chiều quên – nhớ. Có thể khẳng định rằng: không gian hư ảo đầy sóng, đầy gió và chiếc thuyền bé nhỏ, lẻ loi là hai hình tượng thành công mà nhà thơ đã tạo dựng được trong bài thơ. Và đồng thời nhà thơ đã có một khám phá mới, một trải nghiệm mới khi gọi tên cái cảm xúc “chưa đủ nhớ,chưa đủ quên” là “tình yêu chòng chành”.

“Giữa hai chiều quên nhớ” chính là sự thăng hoa tình yêu của nhà thơ Bùi Sim Sim.