1. ĐẶT VẤN ĐỀ

So sánh những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai tác phẩm văn học của Việt Nam và các nước khác trên thế giới có cùng thể loại, cùng đề tài, cùng nguồn cảm hứng...quả là đã mang đến nhiều điều bất ngờ, thú vị. Bởi nói  như Vương Trí Nhàn, đó là "phương tiện tốt" cho biết bao người "tìm đến với những nền văn hóa khác”, kết nối bạn đọc Việt Nam với thế giới. Đặc biệt là khi so sánh hai tác phẩm của hai dân tộc vừa giúp chúng ta có cơ hội tiếp cận với một hình thức tinh hoa văn hóa nhân loại vừa góp phần khơi gợi lòng yêu thích và say mê tìm tòi, khám phá tác phẩm văn học. Đó là lí do chúng tôi lựa chọn hai tác phẩm “Tôi yêu em”của Puskin  -  “Mặt trời của thi ca Nga”  và thi phẩm “Tương tư” của Nguyễn Bính – một nhà thơ tiểu biểu của nền văn học hiện đại Việt Nam đã được chọn giảng trong chương trình Ngữ văn 11 để so sánh. Bởi lẽ hai tác phẩm bên cạnh những điểm tương đồng về thể loại, đề tài, cảm hứng, kết cấu.... lại có những khám phá riêng, sức hấp dẫn riêng.

2. NỘI DUNG

2.1. Giới thiệu tác giả và tác phẩm

2.1.1. Tác giả Pu-skin và  thi phẩm “Tôi yêu em”

 Đất nước Nga với những bình nguyên xinh đẹp, những rừng bạch dương vàng rực trong nắng chiều và những dòng sông thơ mộng đã sinh ra thiên tài Pu-skin (1799 - 1837).  Ông là một nhà văn đa tài, sáng tác nhiều thể loại khác nhau nhưng nổi bật hơn cả vẫn là mảng thơ tình. Thơ tình Pu-skin quả đã có sức cảm mê hồn như dòng suối trong mát, ngọt lành, đọng mãi trong mỗi tâm hồn người yêu thơ.  Những tác phẩm của ông - người được mệnh danh “mặt trời thi ca Nga” mãi mãi in dấu sâu đậm trong lòng của bao thế hệ người yêu văn thơ trên toàn thế giới trong đó không thể không kể đến tuyệt tác thơ tình  Tôi yêu em”.

Tôi yêu em” được gợi cảm hứng từ cuộc tình có thực của nhà thơ. Pus-kin rung động, say đắm thiếu nữ Ô-lê-nhi-na xinh đẹp, con gái vị Chủ tịch Viện Hàn lâm nghệ thuật Nga. Ông đã cầu hôn nhưng bị khước từ. Một năm sau bài thơ “Tôi yêu em” đã ra đời. Và người chuyển thể  tác phẩm “mang tâm hồn Nga” đến với bạn đọc Việt Nam là dịch giả Thúy Toàn [Bộ giáo dục và Đào tạo, 2018]

 

Nguyên bản tiếng Nga

       Я вас любил

Я вас любил: любовь еще, быть может,

В душе моей угасла не совсем;

Но пусть она вас больше не тревожит;

Я не хочу печалить вас ничем.

Я вас любил безмолвно, безнадежно

То робостью, то ревностью томим,

Я вас любил так искренно, так нежно,
Как дай вам бог любимой быть другим.

             Dịch thơ

            Tôi yêu em

Tôi yêu em: đến nay chừng có thể,
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.

Tôi yêu em âm thầm không hy vọng,
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,
Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm,
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.

 

 

2.1.2. Tác giả Nguyễn Bính và thi phẩm “Tương tư”

 Nguyễn Bính (1918-1966) tên thật là Nguyễn Trọng Bính, quê ở tỉnh Nam Định - một vùng quê Bắc Bộ vốn nổi tiếng với truyền thống văn chương, khoa bảng. Ông là một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ Mới (1932-1945). Thơ của ông là Thơ Mới nhưng mang đậm phong cách dân gian. Nói cách khác thơ ông đích thực là một thứ thơ dân gian hiện đại. Điều đó cũng làm nên  màu sắc khác lạ của ngôi sao thơ Nguyễn Bính trong bầu trời Thơ Mới trước Cách mạng tháng Tám.

 Bài thơ “Tương tư” [Bộ giáo dục và Đào tạo, 2018] trích trong tập thơ “Lỡ bước sang ngang” là một bài thơ tiêu biểu nhất cho phong cách thơ của Nguyễn Bính.

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người

 Gió mưa là bệnh của giời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

 Hai thôn chung lại một làng

Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?

 Ngày qua ngày lại qua ngày,

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.

 Bảo rằng cách trở đò giang,

Không sang là chẳng đường sang đã đành

       Nhưng đây cách một đầu đình,

Có xa xôi mấy cho tình xa xôi…

       Tương tư thức mấy đêm rồi

 Biết cho ai, hỏi ai người biết cho!

       Bao giờ bến mới gặp đò

 Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?      

       Nhà em có một giàn giầu

 Nhà anh có một hàng cau liên phòng

       Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

         

2.2. Những điểm tương đồng giữa hai thi phẩm

2.2.1. Đều diễn tả  sâu sắc tình yêu chân thành, mãnh liệt của nhân vật trữ tình

Nhân vật trữ tình trong cả hai tác phẩm đều là nhân vật trữ tình nhập vai, không trùng khít với tác giả song cũng không hoàn toàn đối lập, cách biệt, xa lạ với tác giả. Bởi hai bài thơ tình này đều bắt nguồn từ những xúc cảm cụ thể, chân thực với những trải nghiệm tình cảm sâu sắc của chính nhà thơ. Tình cảm của nhân vật trữ tình trong bài thơ của Nguyễn Bính hay của Pu-skin dành cho người mình yêu đều là tình cảm đơn phương của các chàng trai. Đó là tình cảm chân thành, nồng nàn, tha thiết song không được hồi đáp. Nội dung cảm xúc được nhân vật trữ tình bày tỏ là nỗi khao khát mãnh liệt trong tình yêu với các sắc thái đa dạng và phức tạp của nó.

- Ở tuyệt phẩm “Tôi yêu em”, nhân vật “tôi’ công khai thổ lộ tình yêu cháy bỏng, say đắm, mãnh liệt với người mình yêu, nhưng lại không phải là người yêu mình. Chàng trai đã  thú nhận giãi bày một cách thành thực: tình cảm của tôi dành cho em vẫn luôn rực lửa không bao giờ tàn phai, trái lại, nó vẫn sống mãnh liệt trong trái tim tôi. Không phải ngẫu nhiên điệp khúc “Tôi đã yêu em” được nhắc lại nhiều lần như là giai điệu ngân vang từ rung động của trái tim, nhằm khẳng định tình yêu chân thành, tha thiết, đắm say. Nhưng chàng trai nghĩ đến em và nhận ra rằng tình yêu ấy không đem lại hạnh phúc, niềm vui cho em. Những từ ngữ trong nguyên tác “hãy để…không”, “không muốn…bất cứ điều gì”  nhấn mạnh sự quyết tâm, dứt khoát phải từ bỏ tình yêu. Đằng sau những lời lẽ điềm tĩnh ấy là bao nỗi niềm chua xót, băn khoăn, day dứt, giằng xé khi ngọn lửa tình yêu đang rực cháy nhưng phải dập tắt ngay. Nhịp thơ nhanh hơn, mạnh hơn, nhiều ngắt cách kết hợp với những trạng thái  tình cảm biến đổi liên tục đã cho thấy dù lí trí dù mạnh mẽ đến mức nào cũng không ngăn cản được cảm xúc đang dâng trào trong trái tim yêu. Điệp khúc “Tôi yêu em” điệp lại  hai lần (ở câu 7 và câu 8 ở bản dịch), một lần (ở dòng thứ 7 của nguyên tác) tiếp tục khẳng định tình yêu tôi dành cho em là “chân thành, đằm thắm”. Mặc dù quyết tâm dứt bỏ tình cảm để em không phải bận tâm nhưng người đọc vẫn cảm nhận được một tình yêu mãnh liệt, chân thành, một thái độ dịu dàng trân trọng của nhân vật “tôi” đối với người mình yêu.

 - Ở bài thơ “Tương tư” của nhà thơ Nguyễn Bính, nhân vật trữ tình bày tỏ nỗi tương tư, nỗi nhớ nhung, nỗi khao khát yêu đương với các cung bậc đa dạng và đầy phức tạp. Tương tư là nỗi nhớ nhau của tình yêu đôi lứa. Thực tình một tâm hồn đang nhớ là một trái tim đang yêu. Nhưng trong bài thơ này tương tư lại là nỗi nhớ đơn phương. Chàng trai đã mượn hình ảnh “thôn Đoài”, “thôn Đông”, mượn chuyện nắng mưa của giời để trải lòng mình. Chàng trai đã coi “tương tư” là một căn bệnh tiềm ẩn trong chính con người mình, tự nhiên như quy luật đất trời vậy. Nỗi niềm "tương tư" của Nguyễn Bình được thể hiện với những sắc thái tình cảm muôn thuở của chuyện tương tư: có nhớ nhung: "Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ một người chín nhớ mười mong một người"; có trách móc, hờn dỗi: "Hai thôn chung lại một làng/ Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?... Có xa xôi mất mà tình xa xôi?... Tương tư thức mấy đêm rồi/ Biết cho ai, hỏi ai người biết cho?"; có cả mong chờ: "Bao giờ bến mới gặp đò/ Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?"; có cả ước nguyện xa xôi, nỗi băn khoăn, trăn trở:  "Nhà em có một giàn trầu/ Nhà anh có một hàng cau liên phòng /Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông /Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?". Sự  tăng tiến qua các cung bậc tương tư và mong muốn xa xôi tính đến chuyện gắn bó trăm năm đã cho thấy được tấm lòng thật tâm nghiêm túc và tình yêu chân thành, tha thiết của chàng trai dành cho người mình yêu.

Tình yêu là tình cảm rất nhân văn của con người với rất nhiều trạng thái cảm xúc vừa “khả giải vừa bất khả giải” đã làm nên sắc thái đặc trưng của tình yêu đôi lứa. Thể hiện được sâu sắc điều này trong hai tác phẩm nhà thơ Pu-skin và Nguyễn Bính đã góp phần thể hiện được chất nhân văn trong đời sống tâm hồn của con người.

          2.2.2. Đều diễn tả những nghịch lí trong tình yêu của nhân vật  trữ tình

Yêu và được yêu, đó quả là hạnh phúc tuyệt vời. Điều đó chỉ  trọn vẹn khi và chỉ khi có sự hòa điệu của hai trái tim. Thế nhưng nhân vật trữ tình trong hai tác phẩm đều yêu chân thành, mãnh liệt nhưng không được người mình yêu đáp lại. Tình yêu đơn phương với nhiều biến động phức tạp trong tâm hồn càng tạo nên nhiều nghịch lí.

- Trong bài thơ “Tôi yêu em”, có nghịch lí giữa bên ngoài và bên trong, giữa lí trí và cảm xúc, giữa cái có (tình yêu của mình) với cái không có (tình yêu của em dành cho tôi), giữa sự ích kỉ (bởi ghen tuông) và sự vị tha (dũng cảm chúc phúc em có người tình như tôi đã yêu em).... Bề ngoài cho thấy lí trí rất mạnh mẽ, dứt khoát tưởng có thể ngăn bước tình yêu của chàng trai nhưng nó lại vấp phải sự bất chấp mạnh mẽ của con tim. Mặc dù nói sẽ buông bỏ tình yêu với em nhưng rõ ràng  “tôi” đã đang và vẫn yêu em. Dù rằng khi lời cầu hôn bị chối từ, nhân vật trữ tình vẫn yêu bằng một tình yêu “âm thầm”, “không hi vọng”, “Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen”. Lẽ thường, đó là nguyên cớ của những lời thở than, dằn vặt, trách móc của những tâm trạng u sầu, ủ dột, tủi hờn. “Không hi vọng” là tuyệt vọng, thế nhưng nhân vật trữ tình vẫn cháy hết mình cho tình yêu. Một nghịch lí khiến cho mạch thơ thay đổi bất ngờ, xác lập nên một tâm thế trữ tình tự tin và đầy kiêu hãnh, ngời sáng một tình yêu chân thành, cao thượng, lung linh vẻ đẹp của văn hóa ứng xử trong tình yêu.

- Trong bài thơ" Tương tư " có sự  mâu thuẫn giữa bên ngoài và bên trong, giữa lí trí và cảm xúc; giữa vô lí và hữu tình,...  Thứ nhất, nếu xét về bề ngoài thì thật có nhiều điều vô lí: trong quan niệm tình yêu của người Việt, người chủ động phải là anh con trai, đằng này anh lại trong vai thụ động ngồi đợi chờ. Giữa chàng trai - nhân vật trữ tình và người bạn gái chẳng có cách trở gì về cả không gian lẫn thời gian (“Hai thôn chung lại một làng”). Chàng trai thôn Đoài có thể sang gặp cô gái thôn Đông thật dễ dàng. Thế mà, chàng trai vẫn hoài công chờ đợi. Nhưng nào có ai đâu mà chờ mà đợi? Đây thực chất chỉ là một mối tình đơn phương chỉ mới có ở phía chàng trai. Cô gái đâu biết có người yêu mình thế mà chàng lại than thở, trách móc. Do đó, lời trách móc kia cũng thật vu vơ. Có lẽ do nỗi nhớ dày vò, mà đôi khi cứ ngỡ người kia vô tình, hờ hững, chẳng hề biết, chẳng muốn biết rằng mình đang khổ sở vì tương tư nên sinh ra “hờn ngược trách xuôi”. Nói khác đi, trách chỉ là một cách bộc bạch tình yêu, cũng gọi là “trách yêu”. Vì thế sự vô lí mà hóa ra hữu tình: nhà thơ đã tạo ra một tình huống để giãi bày nỗi niềm, tâm trạng tương tư. Sự vô lí mà hóa ra hữu tình còn thể hiện ở chỗ, chàng trai yêu đơn phương chưa một lần dám tỏ tình với cô gái song bằng hy vọng, có khi bằng cả ảo vọng, chàng trai thấy mối quan hệ giữa mình và người mình yêu thật gần gũi. Vì vậy, người con trai trong tác phẩm luôn tưởng tượng mình và người con gái lúc nào cũng sóng đôi, theo cặp. Điều đáng chú ý ở đây là thứ tự xuất hiện các cặp đôi ấy. Thoạt đầu, chỉ là “thôn Đoài”- “thôn Đông”, “bên ấy” -“bên này”, và rồi dần dần biến thành quan hệ giữa “đò” - “bến”,  “bướm” - “hoa”, cuối cùng, thành quan hệ giữa “trầu” - “cau” mở ra viễn tượng kết duyên giữa hai người. Dẫu biết là chàng trai thật vô lí song lại rất hữu tình bởi vậy ai nỡ trách chàng trai, một khi cuộc đời vẫn còn những mối tình đơn phương và con tim khi yêu thường có những lí lẽ riêng mà lí trí không thể giải thích?

Như vậy, thông qua những mâu thuẫn, những nghịch lí trong tâm trạng của cả hai chàng trai đã cho thấy sự nhạy cảm, tinh tế của các nhà thơ trong việc diễn tả các trạng thái tâm lí của tình yêu đơn phương. Tình yêu vô cùng gần gũi, thân thuộc mà vô biên, bí ẩn, vừa có thể lí giải vừa khó lí giải...Đó là sức hấp dẫn muôn đời của tình yêu làm cho bài thơ đọc thì xúc động, nghĩ thì sâu xa và luôn khiến con người luôn say mê kiếm tìm và khao khát khám phá, chiếm lĩnh.

                                                               (Còn nữa)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ giáo dục và Đào tạo, 2018, “Ngữ văn 11, Tập 2, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

2. Nguyễn Văn Dân, 1998, “Lý luận văn học so sánh”, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

3. Hồ Thúy Ngọc, 2020, Văn hóa ứng xử trong tình yêu qua tuyệt phẩm Tôi yêu em” của               

4. Pu-skin”, Tạp chí Khoa học, số (20), Trường Đại học Hà Tĩnh, tr.51-57.

5. Pu-skin, 1986, “Thơ trữ tình”, bản dịch của Thúy Toàn, Nxb Văn học, Hà Nội.

6. Chu Văn Sơn, 2003, Kỳ 7: “Thẩm bình thơ Nguyễn Bính”, trích từ “Ba đỉnh cao Thơ Mới”, Nxb  Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.