Một tác phẩm văn chương đích thực dù là vô thức thì bao giờ cũng làm hai nhiệm vụ. Một mặt nó khai mở cho quy trình vận động, cái dòng chảy không ngừng của cái đẹp, một mặt nó là chân dung của thời đại đã trở thành chiếc nôi ru để nó chào đời. Thơ thiền đời Lý_Trần là hiện tượng một đi không trở lại của văn học trung đại nước ta trong buổi đầu dựng nước và giữ nước. Một mặt nó là sản phẩm tinh thần tất yếu, song một mặt nó tác động không nhỏ đến cuộc sống con người. Tác động ấy có được là nhờ vào tinh thần dân tộc hóa, dân chủ hóa những khái niệm triết học siêu hình, cũng còn nhờ vào tài năng biến những cảm hứng trên đây thành hình tượng.

Mối quan hệ giữa đạo và đời, thực chất chính là quá trình dân tộc hóa, dân chủ hóa những giáo lý phật học thiền tông. Điều ấy thể hiện phong phú và đa dạng trên từng bài thơ, trên từng phong cách nghệ thuật.

Trong bài Cáo tật thị chúng (Có bệnh bảo mọi người) của Mãn Giác Thiền Sư, bậc cao tăng của phật học. Đó là lẽ hóa sinh, sự biến hóa không cùng giữa sinh và diệt. Xuân qua rồi xuân đến, đó là vạn vật, còn con người thì hết trẻ tới già: sinh, lão, bệnh, tử chính là quy trình hóa sinh không có chỗ bắt đầu và cũng không có chỗ kết thúc. Nó là vô thủy, vô chung, ấy là chưa nói đến một triết lý siêu hình, cuộc đời là mộng ảo, có mà như không có. Vì vậy điều đáng chú ý là cái tâm phải giác ngộ, đừng chú ý đến cái thân vô ngã. Nhưng cái hay của bài thơ lại nằm ngoài  cái đường biên đạo học ấy. Ít nhiều nó cũng chịu ảnh hưởng của một triết lý dân gian: thực tiễn, ham sống và tin tưởng. Bởi vậy hình ảnh cuộc đời thoáng hiện ra là trăm hồng nghìn tía, một biểu tượng rực rỡ của cái đáng yêu chứ không phải cái đáng trách. Nó hiện hữu chứ không phải vô hình. Hai câu thơ cuối biểu hiện sự lạc quan, vừa bất ngờ, vừa thú vị. Cái chết cái tàn nhưng sự hủy diệt ấy đâu phải là cái vĩnh hằng, bất biến mà nó sẽ hồi sinh. Sự sống tốt tươi bao giờ cũng nảy lộc đâm chồi.

Không yêu thiên nhiên không thể viết được bài thơ Ngôn Hoài của Thiền Sư Không Lộ vẫn phảng phất đâu đây vẫn là cái tâm bản thể. Cuộc sống ở đây có hay không có "nhất thôn tang giá, nhất thôn yên". Đó là cảnh còn có thật hay không đó là thứ tình quê quen thuộc? "đất long xà" là ảnh hưởng của thuyết phong thủy, một thứ chọn đất cát theo kiểu tượng hình không có cơ sở khoa học. Giấc ngủ của ông chài hay tiếng kêu vang làm trời đất phải rùng mình ớn lạnh là cảm hứng siêu thoát của phật học thiền tông. Nội dung và chủ đề bài thơ chỉ giản dị và chân thực là: thể hiện tầm lòng vui với đạo của tác giả. Đó là tình cảm thanh thản thoát tục khi tìm được nơi ở thích hợp giữa núi rừng thanh tĩnh, giữa vạn vật thiên nhiên, hợp với tình cảm “tự nhiên nhi nhiên”, (dã tình) hoà đồng với thiên nhiên với vũ trụ của người tu hành, thể hiện tư tưởng “vạn vật nhất thể” của Thiền học. Nhưng cùng với những khía cạnh xuất thế là tinh thần nhập thế rất "con người". Một ông ngư, một con thuyền chài lưới đã trở thành thi nhân và con thuyền thi sĩ. Cũng như con người khổ hạnh vẫn cần cái ấm áp của cuộc đời, nhất là vươn tới cái vô cùng

Thấm đẫm mùi phật học rõ nét nhất trong bài Hưu hứng như lai của Quảng Nghiêm thiền sư. Bài thơ là sự phát ngôn cho quan niệm về thế giới và nhân sinh của đạo phật. Về thế giới có cái cao cả: ấy là cõi vô sinh, là nơi tịch diệt. Bước vào cõi niết bàn, con người ta phải dứt bỏ được mọi ham muốn, ràng buộc của cõi chúng sinh. Nhưng con đường đi tới cái nơi mà Như lai đã đi và đã tới ấy là trong những khái niệm trừu tượng tâm linh, bài thơ đột ngột mở ra một khoảng trời lồng lộng. Đó là một sự vẫy gọi đối với con người: hãy đừng thoái chí, đừng một phút dừng chân, giá trị nhân bản, nhân văn của bài thơ là ở chỗ đó.

Phiêu diêu sương khói phải kể đến bài Phiếm Chu của Huyền Quang. Cảm hứng phật học từ quan niệm vạn vật nhất thể trong cấu tứ và hình tượng toàn bài. Tất cả là thật, tất cả là không thật, có mà cứ như không có. Nhưng nếu gạt bỏ những yếu tố siêu hình học của thiền tông, ta vẫn nhận ra một tâm hồn thi nhân tinh tế và khoáng đạt. Cái ảo của phật học đã đồng nhất với cái không thực của thơ. Có được phẩm chất này, con người bình thường mới có khả năng trở thành thi sĩ. Thời đại Lý Trần là một thời đại lấy phật giáo làm quốc giáo không thể vắng mặt được thơ thiền, nhưng từ cái vạch xuất phát đầu tiên của kỉ nguyên độc lập ấy, tính hướng thiện, tính thực tiễn của tư duy thật là đáng kể. Sự kết hợp ba yếu tố chân, thiện, mỹ có thể còn sơ khai, nhưng hướng đi đã rõ.