Tính chất “cách mạng thi ca” của Thơ mới trước hết là ở cái nhìn thế giới. Những quan niệm tân kì về con người, không gian, thời gian là cơ sở của một triết học văn hoá cho cái nhìn nghệ thuật của Thơ mới. Đây là điểm quán xuyến, là tính chỉnh thể, nét khu biệt nó với những dòng thơ tồn tại cùng, trước hoặc sau nó. Khác với thơ ca cổ điển chủ yếu nhìn cuộc đời qua lăng kính của những ước lệ, tượng trưng, Thơ mới nhìn đời bằng lăng kính của cá nhân. Đó là một sự giao tiếp trực tiếp giữa nhà thơ với cuộc đời. Do đó nhà thơ có dịp biểu hiện cách nhìn hồn nhiên, trẻ thơ của mình. Có bao nhiêu nhà thơ là có bấy nhiêu cách nhìn. Trong dàn hợp xướng của Thơ mới nếu tư duy thơ Hàn Mạc Tử là sự kết hợp của tính trữ tình, tư duy tôn giáo, yếu tố cá nhân hiện đại, nếu Nguyễn Bính nhìn qua chuẩn thẩm mĩ truyền thống, nếu Huy Cận khắc khoải trước một không gian toàn khối mang tính vũ trụ thì ở Xuân Diệu nổi lên cái nhìn thời gian. Nói cách khác Xuân Diệu nhìn đời bằng con mắt thời gian. Đây là điểm then chốt chi phối những ứng xử trong đời và trong thơ ông. Và xét cho cùng mọi cái mới trong thơ Xuân Diệu có lẽ được bắt nguồn từ ý thức thời gian nói trên.

Nhìn một cách khách quan, không phải đến Xuân Diệu thơ Việt Nam mới nói đến thời gian. Từ xưa các thi nhân đã không ít lần than thở về nỗi đời quá ngắn “ bóng bạch  câu lướt qua cửa phù sinh” khiến cho tóc xanh chẳng mấy chốc đã hoá bạc “sáng mới xanh tơ chiều đã tuyết”. Nguyễn Công Trứ thấy: “ Nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày. Vạn sáu chơi nhăng đã hết rồi”. Nhưng phải đến Xuân Diệu- một người với quan niệm sống rất “tốc độ” của mình- thời gian mới thực sự trở thành “nỗi ám ảnh” (Đỗ Lai Thuý), là “kẻ thù đáng gườm nhất” (Nguyễn Đăng Mạnh), là “đại lượng tiêu cực, thù địch với hạnh phúc, tuổi xuân” (Trần Đình Sử). Có thể nói chất Xuân Diệu, phong cách thơ ông chính là ở cái nhìn thời gian này.

Dù lo sợ các thi nhân xưa vẫn nhìn thời gian bằng một con mắt, một tâm thế  bình tĩnh bởi thời gian với họ là tuần hoàn, con người với trời đất là một nhất thể. Xuân Diệu thì khác, ông luôn nhìn thấy tính lưỡng trị của thời gian: một mặt nó đem tuổi trẻ, tình yêu đến mặt khác nó cũng mang lại bao sự héo úa, phôi pha:

Ngọn gió thời gian không ngớt thổi

Giờ tàn như những cánh hoa rơi

                                  (Giờ tàn)

Thời gian với Xuân Diệu là thời gian tuyến tính, một đi không trở lại bao giờ. Thước đo thời gian là tuổi trẻ mà “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” thì làm sao có được xuân tuần hoàn. Vô cùng nhạy cảm trước sự đổi thay của cuộc đời, Xuân Diệu luôn nhìn thấy sự đối lập nghiệt ngã giữa thời gian vô tận của vũ trụ với thời gian hữu hạn của kiếp người. Và thi nhân không thể điềm nhiên, dửng dưng nhìn cái cảnh xuân tới, xuân qua, xuân hết được.

Xuân Diệu không hiểu do trời phú cho một cảm quan đặc biệt hay một “ám ảnh thơ ấu” nào, ông hơn các thi sỹ khác là đã ý thức được sâu sắc sự mất mát của thời gian:

Thong thả chiều vàng thong thả lại

Rồi đi … đêm xám tới dần dần

Cứ thế mà bay cho đến hết

Những ngày, những tháng, những mùa xuân.

                                               (Giờ tàn)

Mất thời gian là mất tất cả, cả những cái tưởng như tuyệt đối: “Sự thật hôm nay không thật đến ngày mai”. Thời gian không chỉ làm thay đổi khách thể mà còn làm thay đổi chủ thể:

                                       Cái bay không đợi cái trôi

Từ tôi – phút - ấy sang tôi – phút – này.

Vì vậy trong niềm say sưa bồng bột trước cuộc đời, tình yêu, sự hiện hữu của thời gian khiến nhà thơ chưa bao giờ bình thản. Đọc Thơ thơGửi hương cho gió ta dễ dàng nhận ra một Xuân Diệu đang cô đơn chống trả lại sự tàn phá của thời gian.

Ứng xử thời gian trước hết với Xuân Diệu là lối sống “vội vàng”, “cuống quýt” đi đầu, đón trước thời gian. Từ đó những câu thơ của Xuân Diệu được viết ra giống như những hơi thở gấp gáp trong lồng ngực kiểu: “Đi mau, trốn nét, trốn hình. Trốn hơi, trốn tiếng, trốn mình, trốn nhau”, “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”, “mau đi thôi! mùa chưa ngã chiều hôm,”, “Mau lên chứ! Vội vàng lên với chứ!”…. Đằng sau những từ: “vội vàng”, “giục dã”, “mau”, “gấp” ta hình dung ra điệu bộ cuống cuồng, sảng sốt của thi nhân cùng nỗi ám ảnh lo sợ sự “muộn màng”, “không kịp”, “lỡ làng”, “lỡ thì”…

Sống “vội vàng” chưa đủ mà phải biết “sống toàn tâm, toàn ý, toàn hồn. Sống toàn thân và thức nhọn mọi giác quan” nghĩa là đưa hết cái nội lực của lòng mình ra để sống, để cảm nhận được ý nghĩa tươi đẹp của cuộc đời. Đọc thơ Xuân Diệu người đọc dễ dàng nhận thấy thơ ông đầy những động tác: ôm, riết, quấn, cắn, ăn, uống, hút say, no nê, đã đầy:

Ta ôm choàng, ôm riết bánh thần tiên

Ta ôm bó cánh tay ta làm rắn

Làm dây da quấn quýt cả mình xuân

Không muốn đi ở mãi mãi vườn trần

Chân hoá rễ để hút màu dưới đất

                                (Thanh niên)

Hay:

Ta bám vào thịt da của đời

Ngoạm sự sống để làm êm đói khát

Muôn nỗi ấm và muôn nỗi mát

Điều ta ăn nhấm nháp rất ngon lành

Ngực thở trời mình hút nắng trời xanh

                                 (Thanh niên)

Tôi đưa răng bấu mặt trời

Kẻ đựng trái tim trìu máu đất

Hai tay chín móng bám vào đời

Kẻ uống tình yêu dập cả môi

                                                                              (Hư vô)

Đằng sau những câu thơ rất Xuân Diệu ấy ta nhận ra được một niềm ham mê sự sống đến cuồng nhiệt, một sự gắn bó máu thịt của nhà thơ với cuộc đời.

Xuân Diệu còn chiến thắng thời gian bằng việc biết sống với giây phút hiện tại. Trong thơ Xuân Diệu cũng có lúc nói đến cái “ngày xưa” hay cái “ngày mai”. Tuy nhiên những câu thơ như thế chiếm một tỉ lệ quá ít trong toàn bộ sáng tác của ông và nó cũng không tiêu biểu cho cảm quan về vũ trụ, triết lí nhân sinh và tư tưởng thẩm mĩ của nhà thơ. Chủ ý của ông trước sau vẫn thiên về khẳng định ý nghĩa của cuộc sống ngay ở trục thời gian hiện tại. Bởi hiện tại chính là sự cô đặc của thời gian. Biểu dương hiện tại, biết dồn nén thời gian sống vào hiện tại, thi nhân viết: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối. Còn hơn buồn le lói đến trăm năm”. Khẳng định ý nghĩa của cuộc sống ngay ở trục thời gian hiện tại là một nét độc đáo trong thi pháp thời gian Xuân Diệu – một hiện tượng gần như ngoại lệ - mà nếu chúng ta đồng nhất thi pháp tác giả trào lưu thì không thể giải thích được.

Con người đam mê cuộc sống trần thế ấy không thể từ bỏ hiện tại để hành hương đơn độc về quá khứ như Chế Lan Viên: “ Đường về thu trước xa xa lắm. Mà kẻ đi về chỉ một tôi” (Thu). Ông thực tiễn trong thuyết hiện sinh của mình:”.“Kể chi chuyện trước với ngày sau” (Tình trai) hay “Cần chi biết ngày mai hay bữa trước? Gần hôm nay, thì yêu dấu là nên” (Mời yêu). Khẳng định thực tại, Xuân Diệu không chỉ thờ ơ với quá khứ mà còn rất hoài nghi ở tương lai:

Gấp em đi, em rất sợ ngày mai;

Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn”. (Giục dã)

Nhà thơ sợ cái “ngày mai” vì ngày mai là ngày của “độ phai tàn sắp sửa”. Xuân Diệu say sưa với hiện tại, ông đếm từng giây, từng phút của hiện tại, vồ vập nó, hưởng thụ nó: “Em vui đi, răng nỡ ánh trăng rằm; Anh hút nhuỵ của mỗi giờ tình tự”.

Ý thức thời gian nói trên đã quyết đinh chỗ đứng và điểm nhìn của nhà thơ trước cuộc đời.

Chủ nghĩa lãng mạn nói chung, thơ lãng mạn nói riêng luôn đi tìm sự đối lập giữa thực tại và lí tưởng với ý thức phủ nhận thực tại. Bởi vậy trong Thơ mới, hầu hết các nhà thơ đều tìm cho mình một con đường để trốn thực tại. Thế Lữ hoặc nuôi giấc mộng lên tiên hoặc làm con hổ nhớ về “thủa tung hoành hống hách những ngày xưa” (Nhớ rừng). Vũ Đình Liên khắc khoải một nỗi niềm “năm nay hoa đào nở. không thấy ông Đồ xưa” (ông Đồ). Chế Lan Viên với một tâm trạng thường trực: “Trời hỡi trời hôm nay ta chán hết. Những sắc màu hình ảnh của trần gian”, nhà thơ chỉ có một nhu cầu: “Hãy cho tôi một tinh cầu lạnh giá. Một vì sao trơ trọi cuối trời xa. Để nơi ấy tháng ngày tôi lẫn tránh. Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo”. Chỉ có Xuân Diệu là vẫn bám lấy cuộc đời để tận hưởng. Ông là “người của đời, một người ở giữa loài người. Lầu thơ của ông được xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian” (Thế Lữ). Thơ Xuân Diệu cắm rễ giữa cuộc đời, hồn thơ của ông nảy nở sum suê nhờ màu mỡ hút từ mạch đất. Đúng như Hoài Thanh nhân xét: “Xuân Diệu đốt bồng lai tiên cảnh xua ai nấy về hạ giới”.

 Có thể nói qua cái nhìn về thời gian của mình, Xuân Diệu luôn thể hiện một cái tôi đầy cá tính, một cái tôi độc đáo, không lặp lại bất cứ gương mặt nào. Tìm hiểu cái nhìn về thời gian trong thơ Xuân Diệu trước cách mạng, người đọc có được một phương diện rất cơ bản để nhận diện hình tượng nghệ thuật của tác giả trong tác phẩm và đặc điểm phong cách nghệ thuật của nhà thơ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, H. 2001.
  2. Đỗ Lai Thuý, Con mắt thơ, NXB Văn hoá thông tin, H. 2001.
  3. Lí Hoài Thu, Thơ xuân Diệu trước cách mạng tháng Tám- 1945, NXB Giáo dục, 1998.