Có rất nhiều sắc màu loài hoa trong thi ca để ta tìm về một nẻo riêng của tâm hồn với bao xao xuyến, bồi hồi, bao nhung nhớ, yêu thương, bao nỗi niềm, tâm trạng..., song tôi thật ấn tượng với một loài hoa mang tên rất lạ - “Hoa trắng đỏ” xuất hiện ở vườn thơ tình yêu của Chế Lan Viên.

“ Anh  hái  tặng  em  chùm  hoa  sắc  trắng,

Nhưng  khi  yêu,  anh  yêu  đỏ  hoa hồng.

Tuổi  năm  mươi  lòng  yêu  như  lửa  đỏ,

Nhưng  bên  ngoài  vẫn  cứ  trắng  như  không.”

                        ( Hoa trắng đỏ)

Có nhiều người nghĩ rằng vào tuổi trung niên quả thật khó để làm một bài thơ tình mặn mà cảm xúc. Muốn biết điều đó đúng hay saichúng ta hãy cảm nhận những vần thơ ăm ắp rung động, dạt dào tình ý, bát ngát nhớ thương của những nhà thơ tuổi ngoài năm mươi.

 “ Phố  này  anh  đến  tìm  em,

Người  qua  lại  tưởng  anh  tìm  bóng  cây”.

                  ( Hà  Nội  vắng  em - Tế Hanh  )

                            “Lâu  lắm  em  ơi  tháng  rưỡi  rồi,

Sao  nhiều  xa  cách  thế,  em  ơi,

Sớm  trông  mặt  đất  thương  xanh  núi,

Chiều  vọng  chân  mây  nhớ  tím  trời”.

                     ( Lâu  lắm  em  ơi – Xuân Diệu)

Thật kì lạ thay, những bản tình ca bất tử lại được đại thi hào Tagore (Ấn Độ) sáng tác khi bước sang tuổi xế chiều. Và ông cảm thấy tự hào, hạnh phúc được nói với mọi người điều này:

“Cõi đời ơi khi tôi đã chết rồi

Thì trong cõi vắng lặng của Ngườii

Chỉ một lời  này còn lại

Tôi đã từng yêu”

                     (277, Những con chim bay lạc)

 Chúng ta hãy cảm nhận sắc màu tình yêu của tuổi trung niên qua thi phẩm “Hoa trắng đỏ” của nhà thơ Chế Lan Viên. Hai gam màu đối lập song lại là sự hòa quyện âm (trắng) – dương (đỏ) tuyệt vời để dệt nên đặc trưng và vẻ đẹp cho loài hoa đặc biệt này. Nó đặc biệt bởi lẽ tên gọi của nó hình như chưa từng xuất hiện trong thế giới thiên nhiên mà chỉ xuất hiện trong thế giới tình yêu. Và cũng chính từ sắc màu đó giúp người đọc giải mã đầy thi vị về tình yêu của những người đã bước qua tuổi trẻ. Đúng như Giáo sư Trần Đình Sử nhận định: “Màu sắc trong văn học chẳng những là phương tiện miêu tả thế giới, mà còn là phương tiện thể hiện cái nhìn nghệ thuật đối với cuộc đời, mang đậm màu sắc thời đại và cá tính”. Màu sắc ấy góp phần tạo nên chất trữ tình và triết lý in đậm dấu ấn phong cách thơ Chế Lan Viên được thể hiện trong tác phẩm “Hoa trắng đỏ”.

“Anh tặng em yêu chùm hoa sắc trắng nhưng khi yêu anh yêu đỏ hoa hồng?”. Mới đọc nghe có vẻ mâu thuẫn bởi điều muốn nói đằng sau chữ “nhưng...” ấy đáng lẽ chưa nên nói thẳng ra như vậy, lỡ mà người ấy phật lòng thì...? Song chính cách nói “khó nghe” đó lại là một cách bày tỏ tình yêu rất Chế Lan Viên. Bởi trong tình yêu mỗi màu sắc có một ngôn ngữ riêng. Màu trắng biểu trưng cho sự tinh khiết, sáng trong. Màu đỏ rực rỡ, nồng nàn biểu trưng cho năng lượng tình yêu mãnh liệt. Màu đỏ ấy đã thôi miên bao trái tim.

“ Áo đỏ em đi giữa phố đông
Cây xanh như cũng ánh theo hồng
Em đi lửa cháy trong bao mắt
Anh đứng thành tro em biết không”
                   ( Áo đỏ - Bằng Việt)

 Sự hòa quyện hai gam màu đối lập trắng và đỏ - màu thựcvà màu ảo đã tạo nên màu của cảm xúc tình yêu. Đây là sự đối lập trong thống nhất, đều nói lên thuộc tính và bản chất của tình yêu. Sự kết hợp ở đây như là biểu tượng của sự hòa hợp, mà thực ra yêu là tên gọi khác của sự hòa hợp, đồng điệu hai tâm hồn khác giới. Chưa dừng lại đó, nhà thơ thêm một lần nữa sử dụng nghệ thuật tương phản ở hai câu tiếp theo “Tuổi năm mươi lòng yêu như lửa đỏ, Nhưng bên ngoài sắc trắng vẫn như không?” Ngoài nghệ thuật tương phản, tác giả còn sử dụng hình thức phản đề qua những mệnh đề được liên kết bởi điệp từ “nhưng” để làm toát lên tính triết lí được chắt lọc từ chính cuộc sống và sự trải nghiệm. Đây là hình thức nghệ thuật chúng ta thường bắt gặp trong những bài thơ đẫm chất trữ tình – triết luận song mỗi nhà thơ có mỗi cách “lạ hóa” khác nhau. Những điều ngỡ như rất đối lập: không mà có, có mà không trong bài thơ lại giúp người đọc nhận ra hương vị thật đặc trưng về tình yêu của tuổi trung niên qua sự đúc kết của thi nhân - triết nhân Chế Lan Viên. Phải chăng bài thơ muốn nhắn gửi: muốn thấu hiểu tình yêu của những người lớn tuổi không phải bắt đầu từ những dáng vẻ bên ngoài mà hãy cảm nhận bằng “năng lượng mặt trời” tỏa ra từ trái tim tình yêu của họ. Nó không cuồng nhiệt, ào ạt, không phiêu lưu như tuổi trẻ nhưng vẫn thiết tha, nồng thắm và lắng sâu. Đằng sau bề ngoài rất bình thản, lạnh lùng như không đó lại sâu thẳm một tình yêu nồng nàn như ngọn lửa cháy mãi không bao giờ tắt.

Thời gian cứ trôi đi, trôi đi… mang theo cả tuổi xuân của mỗi đời người nhưng tuổi xuân trong tình  yêu vẫn còn mãi ở lại trong tâm hồn mỗi người. Đó là điều kỳ diệu của đời sống tình cảm con người,  là sức mạnh nội tâm bất diệt, là sức trẻ  của những tâm hồn  tha thiết  yêu người,  yêu đời  và  yêu cuộc sống. Vì vậy dù tuổi hoa niên, tuổi trung niên hay tuổi già thì họ vẫn luôn hạnh phúc nếu trái tim luôn được thắp sáng bởi ngọn lửa tình yêu. Đó là những gì chúng ta cảm nhận được từ những điều kì diệu của tình yêu kết tinh trong sắc màu một loài hoa được nuôi dưỡng trong “khu vườn tình ái” của thơ Chế Lan Viên.